Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định, chỉ đạo của Đảng về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề về thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021, trên cơ sở kết quả đã đạt được, cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế, nhận định, đánh giá nguyên nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kiến nghị với Bộ Chính trị, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, cũng như kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cụ thể, kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, các ban xây dựng Đảng ở Trung ương thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, và Quy định số 11- QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” ở một số địa phương phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong nhân dân.
Kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát đối với một số ngành, lĩnh vực, địa phương, trong đó chú trọng việc giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; phối hợp chặt chẽ với bộ ngành có liên quan trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai, nhà ở, xây dựng, môi trường và một số lĩnh vực khác phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong các quy định góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Giao Ban Dân nguyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đôn đốc, giám sát các vụ việc Đoàn giám sát đã có kiến nghị trong Báo cáo giám sát; tham gia, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong việc xem xét, rà soát lại việc giải quyết đối với các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp có liên quan ở Trung ương rà soát một số thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính; về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm... để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định hiện hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn. Sớm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện các quy định về tiếp công dân của ngành Tòa án nhân dân đã được quy định tại Điều 17 Luật Tiếp công dân 2013.
|
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Ảnh: quochoi.vn |
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương
Một mặt nghiên cứu, đánh giá toàn diện về khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hành chính hiện nay để có giải pháp khắc phục, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính để đảm bảo phù hợp thực tiễn và tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tăng cường công tác hướng dẫn việc thụ lý, giải quyết và phối hợp với UBND trong việc giải quyết vụ án hành chính.
Mặt khác, Tòa án nhân dân cần tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nêu trong Báo cáo, trong đó cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử để sớm phát hiện những sai sót, sai phạm trong các hoạt động tố tụng của cơ quan Tòa án cấp dưới, nhất là về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp và xem xét lại quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời làm cơ sở để tổng kết, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của ngành Tòa án.
Thông qua kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp có liên quan ở Trung ương rà soát một số Thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính; về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. để phù hợp với quy định hiện hành, thực hiện tốt hơn nữa chức năng kiểm sát của cơ quan Kiểm sát .
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để tăng cường hơn nữa công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án; việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của ngành kiểm sát đã có hiệu lực pháp luật để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời làm cơ sở để tổng kết, rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát.
Cũng như tăng cường công tác hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện chức năng kiểm sát tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tư pháp, nhất là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính của Tòa án. Đồng thời, chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, linh hoạt và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài ở địa phương; vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn.
Cũng như đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng trong công tác tiếp công dân, giải quyết, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa phương, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm có tính chất phức tạp, kéo dài./.