Quảng Bình: Phát huy hiệu quả công tác dân vận, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp

Thứ ba, 19/12/2023 13:26
(ThanhtraVietNam) - Năm 2023, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân vận chính quyền (DVCQ) và quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Công tác đối thoại, hòa giải ở cơ sở được phát huy, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, hạn chế khiếu kiện đông người, kéo dài.

Phát huy tổ hòa giải, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp

Ở các xã, phường, thị trấn, việc thực hiện QCDC được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Theo đó, các xã, phường, thị trấn công khai các nội dung theo quy định để Nhân dân biết, giám sát; chỉ đạo thôn, tổ dân phố tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố hoặc phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

Đảng ủy, UBND cấp xã tạo điều kiện để mọi người dân đều được tham gia, bàn bạc thống nhất quyết định, như: Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí cũng như các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

UBND xã, phường, thị trấn đã tổ chức xin ý kiến Nhân dân đối với các nội dung đã được quy định phải xin ý kiến, như: Dự thảo kế hoạch phát triến kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn; phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất; phương án phát triển ngành nghề của cấp xã…

Từ các hình thức công khai, Nhân dân đã trực tiếp, theo dõi, giám sát việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, dự án đối với cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho Nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo… Qua đó, Nhân dân được giám sát trực tiếp và thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hoặc thông qua quyền khiếu nại, tố cáo (KNTC), giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử, hoạt động của cơ quan nhà nước ở cơ sở. Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở khu dân cư, từ đó đã kịp thời xử lý các vướng mắc, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân góp phần hạn chế được các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài.

Giải quyết 74,42% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.  

Các địa phương, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, nhiều vụ việc mới phát sinh đã được giải quyết ngay từ cơ sở. Nội dung tiếp công dân, đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất thực hiện dự án; tố cáo việc không thực hiện văn bản chỉ đạo, cố tình bao che cho cấp dưới; kiến nghị về việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo của công dân, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về lĩnh vực chính sách lao động, bảo trợ xã hội, lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng...

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Bình tăng cường đối thoại dân chủ trong giải quyết đơn thư KNTC, các kiến nghị, vướng mắc và các vấn đề nổi lên ở cơ sở. Cùng với đó, tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại giữa đồng chí Bí thư, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt, phần mềm “Đặt lịch hẹn tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy” trên Cổng thông tin điện tử đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các kiến nghị, vướng mắc.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đối thoại với nông dân trên địa bàn tỉnh năm 2022. (Ảnh minh họa, nguồn: quangbinh.gov.vn)

Trong năm 2023, các ngành, các cấp trong tỉnh Quảng Bình đã nhận 1.665 đơn KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 202 đơn. Qua phân loại, có 86 đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành. Kết quả, đã giải quyết 64/86 đơn KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 74,42%.

Về công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, trong năm đã tiến hành tổ chức 12 cuộc kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 822/UBND-NCVX về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; tuyệt đối không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định. Thường xuyên thực hiện việc rà soát quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan; xây dựng và thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động tại cơ quan, đơn vị; trong giải quyết các công việc có liên quan tới tổ chức, doanh nghiệp, công dân. Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

Nhìn chung, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nhận thức đúng đắn việc thực hiện QCDC thông qua việc kiểm tra, giám sát thực hiện chủ trương, đường lối chính sách, nội quy, quy chế và các mặt hoạt động của cơ quan. Nhờ đó, tác phong, lề lối làm việc và chất lượng chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường, đoàn kết nội bộ, đồng thuận, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, tại Quảng Bình, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 8.532 doanh nghiệp, việc thực hiện QCDC cơ sở trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP có nhiều chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã gắn thực hiện QCDC cơ sở với việc cụ thể hóa thực hiện các kế hoạch sản xuất - kinh doanh thực hiện chế độ chính sách của đơn vị và các quy định về tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, giải quyết đơn thư KNTC. Việc tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng, quý ở các doanh nghiệp cơ bản được thực hiện.

Như vậy, việc thực hiện công tác DVCQ và QCDC ở cơ sở đã được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thực hiện nghiêm túc. Qua đó, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan hành chính nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về công tác dân vận. Đồng thời, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên góp, phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra