Quảng Trị: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ tư, 23/10/2024 15:00
(ThanhtraVietNam) - Tại Quảng Trị, thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

Tiếp công dân là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thông qua hoạt động tiếp công dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; tiếp thu những ý kiến, phản ánh, kiến nghị của công dân về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tại địa phương; kịp thời chấn chỉnh, phát hiện, xác minh, xử lý các hành vi trái pháp luật, đảm bảo trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

leftcenterrightdel

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng chủ trì tiếp công dân định kỳ. Ảnh: CT

Qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thực thi công vụ đối với Nhân dân; tác động tích cực đến thái độ, tình cảm của Nhân dân; đặc biệt là củng cố niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Để tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Tiếp công dân năm 2013, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Quy định số 1718-QĐ/TU ngày 08/10/2024 quy định về trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp công dân đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và Quy định số 1719-QĐ/TU ngày 08/10/2024 quy định về tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị gửi đến Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.

Các quy định nêu trên quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung, quy trình thực hiện tiếp công dân; tiếp nhận xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh được gửi đến Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xác minh trách nhiệm, quan hệ phối hợp, chế độ báo cáo công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư.

Quy định về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại, xử lý giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khác nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài có ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đã được chính quyền giải quyết theo thẩm quyền nhưng công dân vẫn chưa đồng tình.

Việc tổ chức thực hiện tốt các quy định nói trên đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc triển khai, thực hiện, chịu trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo.

Từ đó, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư phức tạp, kéo dài, vượt cấp; tạo được lòng tin giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới; nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031./. 

Trần Công Thương,
Thanh tra tỉnh Quảng Trị

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra