Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị:

Rất nhiều kết quả đáng ghi nhận

Thứ hai, 22/07/2024 16:00
(ThanhtraVietNam) - Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Bộ) thực hiện quản lý nhà nước về các lĩnh vực: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội nên số lượt công dân và số đơn gửi đến Bộ nhiều.

Việc tiếp công dân được duy trì thường xuyên, Lãnh đạo Bộ tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định, việc xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xử lý nhanh chóng, dứt điểm, đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức về công tác tiếp dân

Ngay sau khi tiếp nhận Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị (Chỉ thị 35), Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ đã triển khai quán triệt đối với đảng viên, cán bộ chủ chốt của Bộ, chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về Chỉ thị 35, đặc biệt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Việc phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời Chỉ thị 35 đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và ý thức về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nội dung Chỉ thị 35, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn đến các cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị thuộc Bộ thông qua việc ban hành Văn bản số 3096/LĐTBXH-TTr ngày 25/8/2014 chỉ đạo các đơn vị triển khai Luật Tiếp công dân và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân; Văn bản số 682/TTr-KNTC ngày 13/10/2014 gửi các đơn vị thuộc Bộ về triển khai thực hiện Chỉ thị 35; Văn bản số 2225/LĐTBXH-TTr ngày 06/6/2017 về việc đôn đốc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hằng năm, Bộ ban hành công văn hướng dẫn công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm công tác tiếp theo đối với 63 Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó yêu cầu các Sở LĐTBXH nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân; đảm bảo hoạt động tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất; chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân; chủ động đối thoại, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân và chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Trong kỳ báo cáo, Bộ đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 35.

Bên cạnh đó, về công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 35, hằng năm, Bộ đều tiến hành các cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quản lý tài chính tài sản đối với các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có nội dung thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, Bộ giao Thanh tra Bộ thường xuyên giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư kịp thời, đúng thời hạn, chất lượng. Vào tháng 7/2019, Bộ đã sơ kết, xây dựng báo cáo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị 35, trong đó nêu rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục góp phần giúp công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hiệu quả.

leftcenterrightdel
 

Đảm bảo quyền, lợi ích của người dân

Tại các cuộc họp, hội nghị, Bộ trưởng thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc thủ trưởng các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 35, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết số 623/NQUBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong kỳ báo cáo, Bộ đã tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ năng tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (tại thành phố Cần Thơ, thành phố Hải Phòng); đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 01 nghị định, 03 thông tư và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan quyền, lợi ích của người dân.

Tại Bộ LĐTBXH, Bộ trưởng trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các đồng chí Thứ trưởng thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo ủy quyền của Bộ trưởng.

Trong các buổi tiếp công dân định kỳ, Bộ trưởng đã lắng nghe các nội dung trình bày của công dân, tham khảo ý kiến tham mưu của Lãnh đạo các đơn vị có liên quan cùng tiếp (Thanh tra Bộ, Cục Người có công, Vụ Bảo hiểm xã hội...) để kịp thời đưa ra ý kiến trả lời công dân. Đối với các vụ việc công dân chưa hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc đã được giải quyết nhưng người dân vẫn tiếp tục đến Bộ, Bộ trưởng đã giải thích tỉ mỉ để công dân hiểu và chấp hành. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền, công dân cung cấp đủ hồ sơ, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị có liên quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết ngay để người dân không phải chịu thiệt thòi. Đối với những vụ việc chưa đủ hồ sơ hoặc cần làm rõ một số thông tin, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan có liên quan, xác minh, làm rõ, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong kỳ báo cáo, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết các 45 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; Bộ đã tiếp 22.321 lượt người, trong đó có 125 lượt đoàn đông người; bên cạnh đó, tổng số đơn đã tiếp nhận trong kỳ báo cáo là 47.387 đơn.

Hàng năm, Bộ đã chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, phối hợp với chính quyền, cơ quan công an các địa phương nhằm đảm bảo an ninh, trật tự; sẵn sàng các phương án ứng phó trong trường hợp công dân mất bình tĩnh, gây rối. Đối với các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, Bộ trưởng đều trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, hiểu rõ những kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo để kịp thời xử lý, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân.

Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổ chức các đoàn công tác xuống làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan, ban, ngành khác nhằm tìm hiểu thực tế tình hình, tháo gỡ những vướng mắc để giải quyết dứt điểm vụ việc, góp phần hạn chế việc công dân tập trung đông người khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Trong kỳ báo cáo, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ tiến hành 54 cuộc thanh tra hành chính tại các đơn vị thuộc Bộ, trong đó có nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả thanh tra: chưa phát hiện vi phạm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các đơn vị được thanh tra…

Có thể nói, nhờ vậy việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ có nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra