Nghị quyết 623/QH-UBTVQH15:

Tập trung giải quyết dứt điểm một số việc khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân

Thứ năm, 23/03/2023 14:53
(ThanhtraVietNam) - Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong hoạt động tư pháp; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệc lực đã được ngành Kiểm sát quan tâm, chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quan trọng này.

Ngành Kiểm sát triển khai đồng bộ, thống nhất giải quyết KNTC trong lĩnh vực tư pháp

Đánh giá về việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết KNTC giai đoạn 2016 - 2021 trong lĩnh vực tư pháp của ngành Kiểm sát, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV nhận định, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC”; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Cùng với đó là quy trình nghiệp vụ về giải quyết KNTC; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp.

Qua công tác kiểm sát đối với hoạt động giải quyết KNTC trong lĩnh vực tư pháp đã ban hành 1.669 bản kiến nghị khắc phục vi phạm qua giải quyết, đã nhận được 1.404 bản văn bản phúc đáp và tiếp nhận 129 ý kiến tiếp thu của cơ quan được kiến nghị ngay tại buổi công bố kết luận kiểm sát trực tiếp; tiếp thu và sẽ khắc phục những vi phạm pháp luật mà Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) đã kiến nghị (đạt 91,9%).

Đặc biệt, với những việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân trong lĩnh vực hình sự khi công dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan tiến hành tố tụng, VKSND tối cao đã ban hành kế hoạch về kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và đã dược triển khai đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đã tiếp nhận 1.006 đơn đủ điều kiện kiểm tra lại đối với 566 quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành kiểm tra được 551 quyết định giải quyết khiếu nại, đang kiểm tra 15 quyết định giải quyết khiếu nại. Trong số 551 quyết định giải quyết đã kiểm tra, có 61 quyết định giải quyết khiếu nại không có căn cứ đã bị hủy để yêu cầu giải quyết lại chiếm tỷ lệ 11%.

Nhìn chung việc thực hiện kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệc lực đã được ngành Kiểm sát quan tâm, chú trọng và đề cao vai trò trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết đơn KNTC thuộc thẩm quyền; quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác kiểm sát và giải quyết KNTC theo quy định.

Ngành Kiểm sát đã đề ra nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát và giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp nói chung và công tác kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nói riêng. Tăng cường đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết KNTC; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường việc thỉnh thị, hướng dẫn giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trong quá trình giải quyết những vụ việc tố giác, tin báo, khiếu nại có tính chất phức tạp…

leftcenterrightdel
 Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ảnh: PV

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân đi kèm với nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết KNTC trong ngành Kiểm sát

Tuy vậy, cũng còn một số tồn tại hạn chế đã được Đoàn Giám sát chỉ ra, như việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết KNTC trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đối với cơ quan Tòa án của cơ quan Viện kiểm sát chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều Viện kiểm sát sau khi nhận được đơn của đương sự, song chỉ chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết, không theo dõi kết quả giải quyết, không áp dụng các biện pháp kiểm sát theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành.

Số vụ việc Viện kiểm sát các cấp phát hiện vi phạm để ban hành kiến nghị còn thấp, phần lớn mới dừng lại ở việc phát hiện những vi phạm về hình thức giải quyết KNTC (hình thức văn bản, thủ tục, thời hạn giải quyết) trong khi đó số bản án, quyết định của Tòa án bị cải sửa, hủy ở cấp phúc thẩm và ở thủ tục giám đốc thẩm do vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều.

Bên cạnh đó, một số quyết định giải quyết khiếu nại của một số VKSND còn chưa bảo đảm tính thuyết phục, vẫn còn một số quyết định giải quyết khiếu nại phân tích, kết luận chưa đi thẳng vào nội dung khiếu nại, có lúc còn xuôi chiều theo kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm trước đó.

Cũng theo Đoàn Giám sát, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đến từ việc thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp là một trong chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của cơ quan Kiểm sát được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân nhưng việc cụ thể hóa chức năng kiểm sát, vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm sát đối hoạt động tư pháp tại các luật chuyên ngành như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Bên cạnh đó, để chất lượng kiểm sát được tốt thì cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia của cơ quan Kiểm sát ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, ngay từ khi cơ quan tiến hành tố tụng tiếp nhận tin báo, tin tố giác tội phạm đối với lĩnh vực hình sự, thụ lý đơn khởi kiện đối với án hành chính, án dân sự.

Cũng như việc cơ quan quản lý hồ sơ cung cấp hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; hồ sơ giải quyết khiếu nại phục vụ cho việc kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại trong một số trường hợp chưa kịp thời, không đầy đủ, phải yêu cầu cung cấp bổ sung.

Cùng với đó, kinh nghiệm của một số cán bộ được phân công kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật chưa nhiều hoặc chưa nắm chắc quy định, quy trình tiến hành kiểm tra các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của VKSND nên chất lượng tham mưu chưa cao.

Và đa số những vụ việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài là những vụ việc xảy ra đã nhiều năm, gặp khó khăn trong quá trình xác minh, thu thập chứng cứ do có mâu thuẫn trong công tác khám nghiệm hiện trường, dấu vết của vật chứng, lấy lời khai của người liên quan, người làm chứng... những mâu thuẫn này không thể khắc phục được trong quá trình giải quyết; công tác điều tra, xác minh ban đầu khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố ở một số vụ việc còn có sai sót, chưa kịp thời đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết khiếu nại.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân chung, đó là một số trường hợp người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người KNTC nên mặc dù đã được nhiều cấp nhiều ngành giải quyết nhiều lần, giải quyết đúng pháp luật nhưng không chấp hành vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài hoặc có thái độ thiếu văn hóa, quá khích./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra