Tuyên truyền về Luật THADS nhằm tác động tích cực đến nhận thức của người dân
Để đảm bảo Luật THADS năm 2008 và Luật sửa đối, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014 được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ đã tổ chức hội nghị triển khai đến sở, ban, ngành thành phố các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là những quy định mới để thực hiện có hiệu quả và kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về Luật THADS nhằm tác động tích cực đến nhận thức của người dân đối với công tác THADS.
Tại cơ quan THADS trên địa bàn thành phố, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: phổ biến, tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp của cơ quan; phát thanh trên hệ thống truyền thanh của địa phương; vận động, thuyết phục trực tiếp; phối hợp tuyên truyền thông qua công tác xác minh, tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Công tác tiếp công dân luôn được lãnh đạo các cơ quan THADS thuộc thành phố quan tâm, hàng tuần đều có phân công lãnh đạo đơn vị trực tiếp tiếp công dân theo quy định; bố trí địa điểm tiếp công dân tại vị trí thuận tiện, đảm bảo các điều kiện, phương tiện, tạo tâm lý thoải mái để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác THADS; bố trí công chức có năng lực, trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức tốt đảm nhiệm công tác tiếp công dân; không để xảy ra tình trạng khiếu nại bức xúc, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị tại địa phương. UBND thành phố Cần Thơ cho biết, tỉ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Khắc phục những sai phạm thiếu sót qua thanh tra, kiểm sát, giám sát tại các cơ quan THADS
Đối với công tác kiểm tra nội bộ của Cục THADS thành phố đối với Chi cục THADS quận, huyện, có 36 cuộc kiểm tra, kết quả đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và tổ chức khắc phục. Cục đã kỷ luật 27 trường hợp công chức vi phạm. Thanh tra Bộ Tư pháp ban hành 02 kết luận: Kết luận số 54/KL-TTR ngày 28 tháng 11 năm 2018 về trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và bồi thường của Nhà nước tại Cục THADS thành phố; Kết luận thanh tra số 33/KL-TTR ngày 17 tháng 10 năm 2019 việc chấp hành quy định pháp luật đối với Cục THADS thành phố, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đấu giá Nam Bộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đấu giá Dũng Trung Nam.
Thanh tra Bộ Nội vụ đã ban hành Kết luận số 245/KL-TTBNV ngày 28 tháng 6 năm 2022 về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, số lượng người làm việc; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; việc xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 26 tháng 4 năm 2019, Kết luận số 71-KL/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Bộ Nội vụ tại Bộ Tư pháp.
Qua công tác thanh tra, kiểm sát, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót của các cơ quan THADS. Cục THADS thành phố đã chỉ đạo các Chi cục THADS tiếp thu và thực hiện nghiêm các kiến nghị, kháng nghị của các cơ quan có thẩm quyền và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm thiếu sót.
Nhìn chung, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Thành ủy, công tác THADS trên địa bàn thành phố đã có chuyên biến tích cực; tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cơ quan THADS từng bước được hoàn thiện; năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của Chấp hành viên và công chức THA được nâng lên. Tuy nhiên, đơn thư khiếu nại, tố cáo từng thời điểm phát sinh khá cao, kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tuy đạt chỉ tiêu nhưng đương sự vẫn còn tiếp tục khiếu nại nhất là ở cấp Chi cục THADS. Tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp còn nhiều.
|
|
Ảnh minh họa (nguồn: Luật ACC) |
Việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án tham nhũng chưa được quy định đầy đủ
Qua 14 năm thi hành, Luật THADS đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Sự tác động tích cực của Luật THADS đã thể hiện sự đổi mới, thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác THADS. Tạo sự ổn định hoạt động THADS, sự tin tưởng cao hơn trong xã hội, giúp giải quyết những bức xúc cho nhân dân, mang lại hiệu quả thiết thực. Luật THADS năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Luật sửa đôi một số điều Luật THADS 2018, Luật sửa đổi một số điều Luật THADS 2022 có hiệu lực thi hành, là văn bản pháp lý trong lĩnh vực THADS ở thời điểm hiện tại. Bộ máy tổ chức các cơ quan THADS địa phương nhanh chóng được kiện toàn, chất lượng cán bộ, công chức THADS tăng lên, hiệu quả công tác THADS được minh chứng qua kết quả THADS của từng năm, đã được chính quyền các cấp và quân chúng nhân dân tin tưởng, ghi nhận. Tuy nhiên cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn công tác THADS.
Trong đó phải kể đến việc chưa có chính sách đặc thù đối với một số hoạt động trong THADS. Cụ thể, đối với các khoản thi hành án cho Nhà nước nhất là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, với đặc thù đối với loại việc thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về kinh tế, tham nhũng có đối tượng phải thi hành án là những người trước đó thường giữ chức vụ lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nên việc xác minh điều kiện về tài sản và áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế là rất khó khăn. Tuy nhiên, pháp luật về THADS chưa có quy định trình tự, thủ tục riêng đối với việc thi hành.
Ngoài ra, thẩm quyền của cơ quan THADS, Chấp hành viên trong quá trình THADS còn hạn chế, đặc biệt là trong việc truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, đồng thời, phụ thuộc nhiều vào kết quả của quá trình tố tụng trước đó. Việc thi hành án đối với một số loại tài sản đặc thù trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp, tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, tài sản hình thành trong tương lai chưa được quy định đầy đủ. Do đó, hạn chế hiệu quả thi hành đối với các vụ việc loại này.
Một số giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS
Theo UBND thành phố Cần Thơ, từ những kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật THADS trong những năm qua cho thấy, việc phân công rõ trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước hiện nay là phù hợp. Vì vậy, cần tiếp tục giữ nguyên mô hình tố chức Hệ thống THADS như hiện nay, có điều chỉnh mô hình tổ chức cơ quan THADS cấp huyện phù hợp với mô hình tổ chức TAND cấp huyện theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đôi, bổ sung Luật THADS, các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án. Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí.
Mặt khác, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động THADS, kịp thời xem xét và xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong việc tổ chức thi hành án.
Tập trung thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các địa phương có số lượng vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định; hạn chế tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực còn tồn đọng không có lý do chính đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và gây bức xúc dư luận xã hội.
Đối với quy định trình tự, thủ tục xử lý tài sản để thu hồi tiền cho nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, để việc thi hành án được hiệu quả và thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cần bổ sung quy định cơ chế thi hành án đặc thù đối với khoản thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như: Tăng thẩm quyền cho cơ quan THADS và Chấp hành viên trong xác minh điều kiện thi hành án, trong đó có việc xác minh, xử lý tài sản của đương sự ở nước ngoài.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân theo hướng minh bạch hóa, công khai hóa và mở rộng diện kê khai thu nhập (kể cả thân nhân của người có chức vụ, quyền hạn); xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán điều tra, truy tố, xét xứ và thi hành án nhằm đảm bảo việc thu hồi triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.