Thực hiện quy định về trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân, đa số cán bộ được phân công nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tốt trách nhiệm, có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân; lắng nghe, tiếp nhận, ghi chép đầy đủ nội dung KNTC, KNPA của công dân; hướng dẫn người KNTC, KNPA đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm.
Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định; trường hợp có công việc đột xuất thì ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp tiếp công dân theo lịch; tại buổi tiếp đã trả lời, giải đáp trực tiếp hoặc chỉ đạo, giao việc cho cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định.
Các xã, phường, thị trấn đã bố trí địa điểm tiếp công dân theo quy định, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, trong đó hầu hết đã bố trí phòng tiếp công dân riêng, một số nơi bố trí kết hợp với Bộ phận giao dịch hành chính một cửa. Việc tiếp nhận, xử lý bước đầu KNTC, KNPA của công dân được thực hiện theo quy định, theo đó nội dung KNTC, KNPA được tiếp nhận, ghi chép đầy đủ vào sổ tiếp công dân, sổ theo dõi đơn. Nội dung vụ việc được phân loại, xác định thẩm quyền giải quyết để có biện pháp xử lý theo quy định.
Các đoàn đông người đến Trụ sở tiếp công dân các cấp được hướng dẫn, yêu cầu cử đại diện để trình bày nội dung KNTC, KNPA. Trên cơ sở đó, người chủ trì tiếp công dân giải thích, hướng dẫn, vận động, thuyết phục công dân, đồng thời giao cho cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết vụ việc. Quá trình tiếp công dân luôn có sự phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự của cơ quan Công an và các cơ quan liên quan.
|
|
Nam Định gắn công tác tiếp công dân với các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về việc giải quyết KNTC. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân thường được gắn với các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về việc giải quyết KNTC, thực hiện nhiệm vụ công vụ theo Kế hoạch công tác thanh tra hàng năm đã được phê duyệt. Theo đó, Thanh tra tỉnh, Thanh tra cấp Sở, Thanh tra cấp huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Thủ trưởng cấp, ngành mình. Thông qua đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã chú trọng, quan tâm hơn đến công tác tiếp công dân giải quyết KNTC, đưa công tác này ngày càng nề nếp hơn.
Các quy định quyền khiếu nại đã được hoàn thiện, đồng bộ; tạo hành lang pháp lý quan trọng cho người dân thực hiện quyền khiếu nại với ý nghĩa là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định. Nhất là quy định người khiếu nại được ủy quyền cho luật sư và trợ giúp viên pháp lý thực hiện quyền khiếu nại, đã tạo thuận lợi cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại. Với quy định luật sư và trợ giúp viên pháp lý được xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại để cung cấp cho người giải quyết khiếu nại và được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại đã tạo điều kiện cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tích cực vào quá trình giải quyết khiếu nại, tăng tính công khai, minh bạch, dân chủ trong giải quyết; hạn chế sai sót trong áp dụng chính sách, pháp luật trong quá trình giải quyết.
Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại trong phạm vi quản lý của mình, đảm bảo cho việc giải quyết đúng quy định các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội…
Ngoài ra, các cấp, các ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giải quyết tố cáo, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tố cáo, tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo, thống kê, báo cáo tình hình, kết quả giải quyết tố cáo; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm giải quyết tố cáo. Các thông tin về người tố cáo được đảm bảo bí mật và người tố cáo được bảo vệ theo quy định.
Nhìn chung hoạt động tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị, trụ sở, nơi tiếp công dân theo quy định. Biên chế công chức làm công tác tiếp công dân đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế. Các cấp, các ngành đã quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng và thực hiện chế độ bồi dưỡng cho công chức tiếp công dân của cấp, ngành mình theo quy định.