Nghị quyết 623/QH-UBTVQH15:

Tích cực, chủ động rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp

Thứ sáu, 24/03/2023 11:11
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp…

Đã chú trọng thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021 tại một số bộ, ngành, địa phương. Kết quả giám sát cho thấy, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương, đã tiến hành được 7.531 cuộc thanh kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 12.339 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kết quả thanh tra cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải chấn chỉnh trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo như: bố trí địa điểm tiếp công dân chưa phù hợp, việc ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, chế độ hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, có đơn vị người đứng đầu chưa tiếp dân thường xuyên đúng theo lịch tiếp công dân quy định tại quy chế tiếp công dân; sổ sách tiếp dân thiếu thông tin, hồ sơ vụ việc lưu trữ chưa bảo đảm theo quy định; có vụ việc thời gian giải quyết chậm, chưa tuân thủ đầy đủ về trình tự, thủ tục giải quyết...

Qua thanh tra đã kịp thời kiến nghị xử lý trách nhiệm hành chính đối với 2.059 tổ chức, 3.472 cá nhân có vi phạm trong thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm nhằm thực hiện tốt các quy định của nhà nước về tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu tố của công dân. Qua kiểm tra việc thực hiện 2.485 kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra đã kiểm điểm trách nhiệm 1.329 tổ chức, 2.064 cá nhân. Các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra về cơ bản đều được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Cũng trong chương trình giám sát của mình, Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát việc giải giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Theo kết quả giám sát, việc kiểm tra, rà soát lại việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài về hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài để có phương án giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đồng thời, các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động rà soát; một số bộ ngành, địa phương có sự quan tâm của người đứng đầu nên nhiều vụ việc phức tạp được giải quyết dứt điểm và có tính lan tỏa, giảm “sức nóng” về tình hình khiếu nại, tố cáo tại địa phương, nhất là đối với một số vụ việc có dấu hiệu bị lợi dụng của những đối tượng cơ hội chính trị và thế lực thù dịch... góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phạm vi cả nước.

leftcenterrightdel
 Hoạt động của Đoàn Giám sát - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh:  quochoi.vn

Đã thực hiện kiểm tra, rà soát được 875 vụ việc, đạt tỷ lệ 87%

Cụ thể, căn cứ tiêu chí vụ việc, kế hoạch rà soát của Thanh tra Chính phủ được ban hành theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.006 vụ việc để rà soát. Trong đó có 35 vụ việc ở 21 địa phương do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ rà soát; 221 vụ việc ở 43 địa phương do Thanh tra Chính phủ lập danh sách chuyển về các địa phương để yêu cầu thực hiện rà soát; 692 vụ việc do các địa phương chủ động rà soát; 58 vụ việc công dân thường xuyên khiếu nại, tố cáo đông người tại các cơ quan Trung ương và đến nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Thanh tra Chính phủ tổng hợp theo kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021.

Đoàn Giám cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong số 1.006 vụ việc được các cơ quan hành chính nhà nước lập danh sách để rà soát, đến nay đã thực hiện kiểm tra, rà soát được 875 vụ việc, đạt tỷ lệ 87%, còn 129 vụ việc đang và chưa triển khai thực hiện. Qua theo dõi, trong số 875 vụ việc đã rà soát, có 120 vụ việc công dân còn tiếp khiếu.

Còn theo Báo cáo số 286/BC-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022, căn cứ tiêu chí được quy định tại Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ, một số địa phương tiếp tục chủ động rà soát và đã bổ sung thêm 24 vụ việc để thực hiện rà soát, tổng số vụ việc được các cơ quan lập danh sách để rà soát theo Kế hoạch 363 của Thanh tra Chính phủ tính đến thời điểm 31/7/2022 là 1.030 vụ việc.

Bên cạnh các kết quả nổi bật đã được ghi nhận, thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao và số lượng cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ về lĩnh vực này chưa thực hiện được nhiều. Cùng với đó, kết luận thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhưng vẫn còn chung chung, không có địa chỉ cụ thể và chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục. Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm trong khi thi hành công vụ chưa quyết liệt, phần lớn là kiểm điểm rút kinh nghiệm, chưa được nghiêm minh, còn có hiện tượng né tránh, ngại va chạm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bị xử lý chưa tương xứng với số lượng vi phạm.

Đối với việc rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài, Đoàn Giám sát đã chỉ ra việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, tiêu chí vụ việc đưa vào danh sách rà soát còn mang tính cảm tính, còn có biểu hiện né tránh không lập danh sách vụ việc để chủ động rà soát; vẫn còn một số địa phương người đứng đầu, cơ quan thường trực giúp việc UBND tỉnh chưa chủ động, tích cực trong việc rà soát.

Mặt khác, chất lượng, hiệu quả hoạt động rà soát chưa cao, vẫn còn một số vụ việc công dân chuyển sang tố cáo và cho rằng việc thực hiện rà soát chưa bảo đảm tính khách quan, mang tính hình thức, đối phó để ban hành thông báo chấm dứt việc thụ lý giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, qua rà soát chưa đề xuất được giải pháp căn cơ để giải quyết các vụ việc có vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật thuộc thẩm quyền của trung ương và của địa phương./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra