Đắk Nông:

Tình hình khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp

Thứ sáu, 28/10/2022 16:00
(ThanhtraVietNam) - Đó là nhận định của chính quyền tỉnh Đắk Nông trong quá trình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong thời gian diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tính từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/7/2022, số lượt công dân được tiếp giảm 146 lượt (5,5%) nhưng tăng 79 người (2,3%); tổng số đơn thư tiếp nhận tăng 144 đơn (3,2%); số lượng các vụ việc khiếu nại và tố cáo thuộc thẩm quyền bằng số vụ việc so với cùng kỳ năm 2021. Nội dung khiếu nại của công dân chủ yếu liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính. Nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ công vụ, việc xử lý đơn của công dân không đúng quy định.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười tiếp công dân tại huyện Krông Nô ngày 17-9. Ảnh: Báo Đắk Nông

Mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo không tăng, nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên củng cố và kiện toàn đội ngũ thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật của UBND tỉnh; đồng thời huy động được sức mạnh và sự phối hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; hiệu quả công tác phổi hợp giữa các ngành được nâng cao, nên đã hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp đến Trung ương. Qua công tác thanh tra trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra tỉnh đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị được thanh tra. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, đơn vị đã kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần ổn định tình hình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, một số công dân chưa nhất trí với kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục gửi đơn đến các cấp chính quyền để yêu cầu xem xét lại; còn tình trạng nhiều đơn thư trùng nội dung được công dân gửi đến nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều đơn không ghi tên, địa chỉ người làm đơn, một số vụ việc đã được các cấp, các ngành giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số địa phương còn chậm, kéo dài. Nguyên nhân được xác định do tính chất vụ việc phức tạp, khó khăn trong việc xác minh, giải quyết; do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện chưa thường xuyên. Một số vụ việc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết đúng quy định nhưng công dân vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu kiện: Một phần nguyên nhân do ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một số công dân chưa cao.

Mặc dù UBND tỉnh đã quyết liệt đôn đốc giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc đối với các vụ việc đông người, tồn đọng, kéo dài, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân là do quy định pháp luật qua thời gian đã có sự thay đổi, dẫn đến vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình giải quyết, tổ chức thực hiện; còn vụ việc đang chờ ý kiến hướng dẫn của các cơ quan Trung ương; bên cạnh đó, không ngoại trừ nguyên nhân do sự chậm trễ, thiếu quyết liệt của các đơn vị trong triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, ở những địa bàn phải thu hồi nhiều đất của người dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; ở các địa phương tiến hành tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất đối với hành vi chiếm đất tại các dự án nông lâm nghiệp. Khiếu kiện đông người, phức tạp có thể phát sinh ở những địa phương làm không tốt trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, tuyên truyền, công khai minh bạch và giải quyết khiếu nại, tổ cáo của người dân. Chính sách, pháp luật về lĩnh vực quản lý đất đai trong thời gian tới tiếp tục có sự sửa đổi, bổ sung; giá đất thực tế trên địa bàn tỉnh có những biến động lớn, có thể làm xuất hiện tâm lý so sánh giá đất bồi thường và giá đất giao dịch trên thị trường, dẫn đến khiếu kiện.

Theo đó, tại Đắk Nông, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân... Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể quần chúng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra. Thực hiện đầy đủ, đúng đắn quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu, hạn chế đơn thư tồn đọng và tiếp khiếu lên cấp trên. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp trên đối với cấp dưới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân về Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, chỉ đạo UBND cấp xã làm tốt công tác hòa giải; quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Đặc biệt, trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án có thu hồi đất phải quan tâm thực hiện việc công khai, minh bạch trong quá trình triển khai dự án; nhất là trong việc lập và thực hiện phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân nắm rõ thông tin, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần hạn chế, giảm thiểu vướng mắc, khiếu kiện liên quan tới bồi thường thu hồi đất./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra