Tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Nam Định có xu hướng giảm

Thứ sáu, 28/10/2022 09:18
(ThanhtraVietNam) - Năm 2021 và đầu năm 2022 dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp; nên đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trênđịa bàn tỉnh Nam Định. Theo báo cáo số 214/BC-UBND của UBND tỉnh, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm so với cùng kỳ báo cáo, trong đó giảm cả về số lượt công dân và số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền; không có điểm nóng về KNTC, không có đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Thời gian vừa qua, công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ của các cấp, các ngành tỉnh Nam Định đã được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014. Lãnh đạo UBND tỉnh cùng Lãnh đạo một
số sở, ngành tiếp dân định kỳ 01 ngày/tháng; Lãnh đạo UBND huyện, thành phố tiếp dân định kỳ 02 ngày/tháng; Lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn tiếp 01 ngày/tuần. Tại các phiên tiếp dân định kỳ, Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu Lãnh đạo UBND cấp huyện cùng Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp các đoàn khiếu tố đông người, phức tạp, kéo dài của địa phương để lắng nghe về nội dung công dân trình bày, đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo, kết luận của Lãnh đạo UBND tỉnh để triển khai, thực hiện tại địa phương, đơn vị. Sau mỗi buổi tiếp công dân, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đều có văn bản thông báo kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị để giải quyết từng vụ việc cụ thể, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân theo quy định.

Trong giai đoạn từ 8/2021 – 7/2022, toàn tỉnh đã tiếp 3.133 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị phản ánh (KNPA), giảm 862 lượt (21,6%) so với cùng kỳ năm trước; Số người được tiếp là 2.237 người, tương ứng với 1.696 vụ việc. Số đoàn đông người được tiếp là 26 lượt, giảm 45 lượt đoàn (58%) so với cùng kỳ năm trước. Số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân của tỉnh, huyện, địa điểm tiếp công dân của các sở, ngành, UBND cấp xã giảm so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, phải thực hiện các quy định của Chính phủ về việc giãn cách xã hội. Qua các phiên tiếp công dân, các cấp, các ngành trong toàn tỉnh đã tiếp nhận 949 đơn khiếu nại, tố cáo, KNPA.

leftcenterrightdel
 Nam Định chú trọng công tác đối thoại với dân ngay từ cơ sở. Ảnh minh hoạ.

Toàn tỉnh đã tiếp nhận, xử lý 3.458 đơn (đơn khiếu nại là 470, đơn tố cáo là 548, đơn kiến nghị phản ánh 2.440) giảm 92 đơn (2,5%) so với cùng kỳ năm trước. Qua xem xét thấy một số đơn thư có nội dung trùng, đơn photo gửi nhiều cơ quan, tổ chức, gửi nhiều lần, nhiều đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định. Đơn đủ điều kiện xử lý là 2.982 đơn (trong đó đơn khiếu nại là 400 đơn chiếm 13,4%, đơn tố cáo là 463 đơn chiếm 15,5% và đơn KNPA là 2.119 đơn chiếm 71,1%). Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, một số vụ việc kiến nghị, phản ánh về công tác dồn điền đổi thửa…

Qua tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư xác định có 68 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp. Các cấp, các ngành đã tập trung xác minh, kết luận, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong quá trình giải quyết luôn quán triệt, chỉ đạo thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, hồ sơ, tài liệu đầy đủ, chặt chẽ, việc áp dụng pháp luật trong giải quyết phải chính xác, kết luận có lý, có tình, có tính khả thi. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết xong 55/68 vụ, đạt 80,9%.

Trong công tác quản lý nhà nước, tỉnh Nam Định đã tổ chức được 19 lớp tuyên truyền phổ biến, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC với 2.154 lượt người; đã ban hành 45 văn bản quản lý, chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và 01 văn bản được sửa đổi, bổ sung. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiến hành 23 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC tại 40 cơ quan, đơn vị; đến nay đã kết thúc và ban hành kết luận 20/23 cuộc thanh tra.

Nhìn chung, việc chấp hành pháp luật về KNTC, tiếp công dân của các địa phương, đơn vị, khá tốt; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn, thư KNTC đã được lãnh đạo UBND các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết kịp thời; đặc biệt, trong công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại, trong quá trình giải quyết, lãnh đạo các địa phương đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, xem xét vụ việc có lý, có tình nên đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc góp phần hạn chế phát sinh đơn, thư KNTC vượt cấp. Đồng thời, qua thanh tra trách nhiệm đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức được phân công tiếp dân, tiếp nhận xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của người dân.

Có thể thấy, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết
KNTC, KNPA tiếp tục được Thủ trưởng các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn; hoạt động tiếp công dân đã được duy trì nghiêm túc theo quy định; công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư, giải quyết đơn thư được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở. Sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tương đối hiệu quả.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC, trong thời gian tới, UBND tỉnh Nam Định cần Tiếp tục duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân theo quy định, gắn với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, gắn tiếp công dân với việc theo dõi, đôn đốc giải quyết KNTC, KNPA của công dân theo đúng quy định. Tăng cường phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, chú trọng công tác thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả giải quyết, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác. Tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; chú trọng giải quyết những vụ việc phức tạp, tồn đọng, những vụ việc mới phát sinh, hạn chế việc tiếp KTNC lên cấp trên.

Nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết KNTC của Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, tồn tại và nâng cao trách nhiệm thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; gắn kiểm tra, đôn đốc với việc tổ chức thi hành quyết định, kết luận giải quyết có hiệu lực thi hành; có biện pháp chấn chỉnh; xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình không thụ lý, giải quyết theo quy định hoặc giải quyết thiếu khách quan, trung thực, không đúng quy định.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Tăng cường sự phối hợp và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của MTTQ trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục công dân hiểu và chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về KNTC nói riêng./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra