Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương: Đối thoại không chỉ là lắng nghe

Thứ ba, 05/09/2023 10:31
(ThanhtraVietNam) - Điểm chung của các đối thoại đoàn đông người là không khí thường rất “nóng”. Cuộc đối thoại mới đây giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với 70 người hoạt động kháng chiến không khí "nóng" lên ngay từ lúc khai mạc và diễn biến căng thẳng, có lúc tưởng chừng không thể tiếp tục… nhưng với kinh nghiệm, kỹ năng, trách nhiệm của mình, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp (TCDTW) đã làm giảm “nhiệt độ” trong Hội trường để Hội nghị được tiếp tục…

Những công dân đặc biệt

Thái Bình là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, tỉnh Thái Bình đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Với trên 50 vạn người con lên đường tham gia nhập ngũ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Trải qua chiến tranh, Thái Bình có trên 52 nghìn liệt sỹ, trên 45 nghìn thương binh, hơn 5 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Để tri ân những công lao đóng góp của người có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã truy tặng và phong tặng 5.454 Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến cho trên 26 vạn người, hàng nghìn người được công nhận người và gia đình có công với cách mạng. Đi cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp các ngành trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Ngoài thực hiện các chính sách theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thái Bình cũng có những chính sách riêng thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với người có công, qua đó giúp cho cuộc sống gia đình chính sách ngày một nâng cao, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị đối thoại do UBND tỉnh Thái Bình tổ chức.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc triển khai chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học của tỉnh Thái Bình trước đây theo hướng dẫn số 06/HD-SYT ngày 08/3/2007 của Sở Y tế Thái Bình để xác lập, xét duyệt, xác nhận hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học sinh con dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở để xác lập hồ sơ là chưa đảm bảo quy định.

Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thanh tra và có Kết luận thanh tra số 44/KL-TTr ngày 2/4/2015 về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại Thái Bình, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo, rà soát đối tượng lập hồ sơ, hưởng chính sách theo quy định.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các công dân tham gia Hội nghị là những người hoạt động kháng chiến bị ngừng chế độ.

Sau khi rà soát, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội đã ban hành quyết định ngừng hưởng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Một số công dân không đồng ý và có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi các cơ quan của tỉnh Thái Bình và các cơ quan Trung ương.

Như Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp nói, đây là vụ việc khiếu kiện đông người với những công dân “đặc biệt”, đặc biệt bởi lẽ về tuổi đời, các công dân đều thuộc hàng cha, chú, càng đặc biệt hơn khi họ đã tham gia chiến trường, không tiếc máu xương, đóng góp, hy sinh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, để đất nước ta có được “vị thế, uy tín, tiềm lực, cơ đồ” như ngày hôm nay.

Tuyên truyền vận động để công dân khiếu kiện một cách văn minh, có kiểm soát

Chính vì vậy, khi tiếp, đối thoại với họ cũng phải với cách thức rất đặc biệt, không chỉ đơn thuần là nghe và nói, mà phải đặt mình vào vị trí của các bác, các chú, để hiểu, chia sẻ, động viên. Quả thật, không gì so sánh được với những hy sinh, mất mát của những người đã tham gia kháng chiến, và những chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước là sự quan tâm, bù đắp phần nào với những hy sinh, đóng góp đó. Tuy vậy, mọi chính sách đều có quy định, từng giai đoạn có gắn với quy định cụ thể, công khai, minh bạch chính sách, không để tình trạng trục lợi chính sách, không để “con sâu làm rầu nồi canh” ảnh hưởng đến chính sách nhân văn này của Đảng và Nhà nước. Điều quan trọng là tiếp xúc để lắng nghe, để giải thích, để chia sẻ, chế độ chính sách gắn với quy định, phải được thực hiện theo quy định, các kiến nghị về quyền lợi, chế độ sẽ được cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét thấu đáo, cùng với đó, cũng tuyên truyền vận động để người dân khiếu kiện một cách văn minh, có kiểm soát, không nên có những lời lẽ nặng nề, mất an ninh, trật tự, làm xấu đi hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp phát biểu tại Hội nghị đối thoại. 

Những điều này, được Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương chia sẻ tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình với công dân thuộc diện ngừng trợ cấp người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hội nghị được tổ chức nhằm đối thoại với 70 công dân đến từ các huyện: Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy, Kiến Xương, Hưng Hà. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, đại diện Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình…

Qua hội nghị, ghi nhận các nội dung mà công dân khiếu nại, phản ánh, kiến nghị tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Việc ngừng thực hiện chính sách đối với nhiều công dân chưa đúng; trong quá trình hướng dẫn công dân làm thủ tục hồ sơ không có sự thống nhất, dẫn đến sai sót ở nhiều địa phương; còn để xảy ra các hiện tượng "chạy chế độ" trong quá trình thực hiện chính sách dẫn đến còn nhiều người chưa đủ điều kiện vẫn đang được hưởng chính sách.

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương trao đổi, chia sẻ cùng các công dân "đặc biệt".

Các ý kiến kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm đến ý kiến của công dân; cần vào cuộc thanh tra toàn diện lại việc thực hiện chính sách, xử lý nghiêm cán bộ cố tình làm sai quy định pháp luật và phải ngừng chính sách đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện song vẫn đang hưởng chính sách tại các địa phương.

Trao đổi tại buổi đối thoại, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương đồng cảm, chia sẻ với những hy sinh, đóng góp của các cựu chiến binh, những người đã vào sinh, ra tử, không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc, vì thống nhất đất nước. Trưởng Ban khẳng định quyền khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân song hoạt động khiếu nại, tố cáo cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, không gây mất an ninh - trật tự. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình tạo điều kiện để các công dân nếu có nhu cầu giám định lại sức khỏe để hưởng chính sách, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định hướng dẫn. Ngoài ra, UBND tỉnh nên tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe để giải đáp thấu đáo những băn khoăn, kiến nghị của người dân.

Trên cơ sở các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến  nghị, phản ánh của công dân, UBND tỉnh Thái Bình cần xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền, công khai, minh bạch các kết quả, quá trình giải quyết và trả lời công dân theo quy định. Mặt khác, địa phương cân nhắc tạo điều kiện để đại diện cựu chiến binh cùng tham gia hội đồng để giám định, thực chứng người được hưởng chế độ.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cũng đề nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra sau thanh tra đối với Kết luận 44/KL-TTr, cùng với đó, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu các vấn đề phát sinh từ thực tế để báo cáo Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho người có công trong hưởng chế độ chính sách, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học./.

Bài và ảnh: Hồng Hùng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra