Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự quan tâm, tăng cường các hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt kịp thời của UBND, Chủ tịch UBND các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của những năm trước đây đang được các cấp, các ngành tập trung khắc phục, sửa chữa.
Số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước các cấp để KNTC, kiến nghị, phản ánh (KNPA) giảm 4,4%, số vụ việc KNTC, KNPA giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; chất lượng giải quyết các vụ việc KNTC được nâng cao; không có đoàn đông người khiếu kiện vượt cấp đến các cơ quan Trung ương; tính chất, mức độ KNTC của công dân không gay gắt, phức tạp; không phát sinh điểm nóng hay mất ổn định về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn do KNTC. Nội dung KNTC chủ yếu tập trung vào lĩnh vực liên quan đến đất đai. Tại một số địa phương còn có tình trạng người dân chưa đồng tình triển khai một số dự án, nhất là các dự án tiềm ẩn nhiều phức tạp, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Năm 2022, có 4.880 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước KNTC, KNPA giảm 224 lượt người, với tổng số 5.998 người; số vụ việc 939 vụ; số đoàn đông người được tiếp 108 đoàn với 632 người, tuy nhiên một đoàn đông người đi nhiều lần gây áp lực cho cơ quan hành chính các cấp (tăng 09 đoàn so với cùng kỳ). Qua công tác tiếp công dân, tiếp nhận 1.057 lượt đơn với 879 vụ việc (Khiếu nại 82 đơn/77 vụ việc; Tố cáo 61 đơn/52 vụ việc; Phản ánh, kiến nghị 914 đơn/750 vụ việc); qua phân loại đơn có 506 đơn với 445 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp; đơn không thuộc thẩm quyền 551 đơn với 434 vụ việc.
|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chủ trì một buổi tiếp công dân. Ảnh: vinhphuc.gov.vn |
Toàn tỉnh tiếp nhận 3.319 lượt đơn thư, gồm đơn nhận được qua tiếp công dân và đơn nhận từ các nguồn khác, trong đó: Cấp tỉnh nhận 1.576 đơn (tỉ lệ 47,5%); cấp huyện nhận 794 đơn (tỉ lệ 23,9%); cấp xã nhận cấp xã 949 đơn (tỉ lệ 28,6%). Trong số 3.319 đơn có 2.187 đơn đủ điều kiện xử lý có 1.011 đơn (bằng 1.011 vụ việc) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, toàn tỉnh đã giải quyết xong 826/939 vụ đạt tỷ lệ 87,9%.
Bên cạnh đó, UBND đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2022 và tham mưu kiện toàn thành viên tổ công tác; Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành tiếp tục rà soát các vụ việc tồn đọng, kéo dài để tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp lập danh sách các vụ việc KNTC kéo dài cần chỉ đạo giải quyết năm 2022 gồm 19 vụ việc (có 12 vụ việc cũ còn tồn trong 50 vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài năm 2021); thẩm quyền cấp tỉnh: 07 vụ việc (Sở TN&MT: 02 vụ việc; Cục Thi hành án dân sự tỉnh: 05 vụ việc); thẩm quyền cấp huyện 12 vụ việc (Vĩnh Tường: 02 vụ việc; Phúc Yên: 02 vụ việc; Bình Xuyên: 03 vụ việc; Tam Dương: 01 vụ việc; Vĩnh Yên: 02 vụ việc; Yên Lạc: 02 vụ việc). Đến nay, UBND các huyện, thành phố đã giải quyết xong 04/19 vụ việc, còn 15 vụ việc các cấp, các ngành đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác minh để giải quyết dứt điểm.
Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp công dân, giải quyết KNTC đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; Thanh tra tỉnh phối hợp với Ban Tiếp công dân của tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giải quyết các vụ việc KNTC đông người phức tạp, kéo dài và các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Tổ công tác của tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh; đã rà soát, lập danh sách,làm việc với UBND các huyện, thành phố để nghe báo cáo và trực tiếp chỉ đạo, cho ý kiến đối từng vụ việc cụ thể.
Công tác quản lý nhà nước, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết KNTC được tăng cường. Thanh tra tỉnh cùng với UBND huyện, thành phố, sở, ngành định kỳ hàng tháng tiến hành rà soát, thống kê, theo dõi, hướng dẫn phân loại, xử lý đơn, xác định nội dung và thẩm quyền giải quyết các vụ việc trên địa bàn; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định thanh tra và giải quyết KNTC; qua đó đã nâng cao trách nhiệm, chất lượng và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp.
Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, huyện; thủ trưởng Sở, ngành đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC đã có chuyển biến tích cực như: triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh kịp thời, nghiêm túc; bám sát địa bàn có khiếu kiện để theo dõi, nắm chắc tình hình từ đó việc chỉ đạo và giải quyết kịp thời hơn. Chất lượng công tác thanh tra, xác minh, đề xuất giải quyết các vụ việc KNTC ngày càng nâng cao.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp công dân, giải quyết KNTC, KNPA, trong năm 2023, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Một là, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân lên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
Hai là, Tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Kiên quyết sử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, bảo vệ người tố cáo không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để người tố cáo bị trả thù, trù đập; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc KNTC để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, không thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết KNTC đã có hiệu lực pháp luật.
Ba là, Tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra KNTC đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”.
Bốn là, Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KNTC; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác này./.