Vai trò công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm soát quyền lực đối với việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an nhân dân

Thứ năm, 03/04/2025 22:06
(ThanhtraVietnam) - Khiếu nại, tố cáo là một hình thức đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mặt khác, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân là quyền dân chủ trực tiếp, một chế định của nền dân chủ trực tiếp để công dân thông qua đó thiết thực tham gia vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng mạng xã hội Zalo OA

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra công an

Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị, luật, nghị định, thông tư nhằm thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Bộ Công an ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCA, ngày 29/4/2022 hướng dẫn xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an nhân dân (CAND); Thông tư số 85/2020/TT-BCA ngày 03/8/2020 quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong CAND; Thông tư số 23/2022/TT-BCA ngày 16/5/2022 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong CAND; Thông tư số 129/2020/TT-BCA ngày 08/12/2020 quy định quy trình giải quyết tố cáo trong CAND.

Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND nói riêng có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, vừa thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta, vừa củng cố mối quan hệ giữa dân với Đảng và Nhà nước, vừa góp phần củng cố và xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa bảo đảm quyền lợi ích chính đáng của cán bộ, minh oan cho cán bộ chiến sĩ, vừa kịp thời phát hiện ra cán bộ có sai phạm, kiểm điểm cán bộ không đủ điều kiện tiêu chuẩn, góp phần phục vụ cấp ủy đảng các cấp lựa chọn đối với những cán bộ luân chuyển. Yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND vừa phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời và đúng pháp luật; vừa phải bảo đảm tính thận trọng, đáp ứng yêu cầu vừa xây, vừa chống, trong đó lấy việc xây dựng, củng cố đoàn kết nội bộ đơn vị Công an là chính; đồng thời cũng phải góp phần kiểm soát quyền lực, chống các biểu hiện lạm quyền, chạy chức, chạy quyền trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND.

Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có ý nghĩa thiết thực cấp bách và lâu dài, là chế tài kịp thời có tính chất răn đe và giá trị phòng ngừa “từ sớm, từ xa”, ngăn chặn “từ gốc, từ đầu” không để vi phạm xảy ra, không để mất cán bộ. Quyền lực trong công tác cán bộ theo Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định 114) là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Quyền lực trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ trong việc bổ nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND.

Kiểm soát quyền lực nhà nước là hoạt động xem xét, theo dõi, đánh giá để ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật, đạt được mục đích mong muốn. Kiểm soát quyền lực nhà nước là việc làm cần thiết và quan trọng để giữ cho việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước hoạt động đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và vì lợi ích của Nhân dân. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo quy định tại Quy định 114 thì: “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”. Như vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, chống chạy chức, chạy quyền trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND.

Do đó, có thể nhận thấy, thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ kịp thời phát hiện ra những sơ hở, thiếu sót, thiếu tiêu chuẩn, tiêu chí trong bổ nhiệm cán bộ, chỉ huy, góp phần chấn chỉnh, phòng ngừa việc bổ nhiệm sai, bổ nhiệm chưa đúng người trong công tác cán bộ. Đồng thời, khi thực hiện tốt công tác này sẽ tạo được lòng tin, tạo động lực cho cán bộ nỗ lực thực hiện tốt công tác chuyên môn, nâng cao năng lực, trách nhiệm và trau dồi phẩm chất, đạo đức.

leftcenterrightdel
Thanh tra Bộ Công an công bố quyết định xác minh tài sản thu nhập năm 2025. Ảnh: Ngô Tân 

Là đơn vị có chức năng tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Thủ trưởng Công an các cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong CAND, từ năm 2020 đến nay, Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương đã tích cực tham mưu Thủ trưởng Công an cùng cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chức năng, nhiệm vụ đạt hiệu quả, chất lượng cao, đã góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác của các đơn vị, đảm bảo chấp hành chính sách pháp luật, củng cố đoàn kết nội bộ, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Công an với Nhân dân, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung và cũng góp phần kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tại Công an các đơn vị, địa phương nói riêng. Với kết quả nổi bật: Công an các đơn vị, địa phương tiếp 107.110 lượt  công dân; đã tham mưu Thủ trưởng Công an các cấp xác minh, giải quyết 23.876/26.049 đơn thuộc trách nhiệm của lực lượng CAND. Trong đó, Thanh tra Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra, xác minh, nắm tình hình, giải quyết đối với 872 đơn/vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh thuộc thẩm quyền Bộ trưởng và do lãnh đạo Bộ giao; trong đó có nội dung có liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND. Qua xác minh, nắm tình hình, giải quyết khiếu nại, tố cáo thấy nổi lên một số tình hình đáng chú ý sau: Tố cáo việc cán bộ được bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy không đảm bảo tiêu chuẩn (thiếu tiêu chuẩn, bằng cấp, chứng chỉ, chưa đủ thời gian, bổ nhiệm chưa có trong quy hoạch, vi phạm về tiêu chuẩn chính trị...). Tố cáo việc cán bộ được bổ nhiệm không đảm bảo đúng theo quy trình, thiếu dân chủ, thiếu công khai minh bạch, mang tính chất áp đặt, cục bộ địa phương, nhất là việc tố cáo không thực hiện theo đúng quy trình 5 bước. Tố cáo việc cán bộ được bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền, mua chuộc, đặt vấn đề ủng hộ xin phiếu, không công khai dân chủ, không minh bạch...

Qua kết quả kiểm tra, nắm tình hình, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đã kết luận hầu hết các đơn tố cáo là không đúng, không có cơ sở. Nhưng đã rút ra được những vấn đề hết sức quan trọng, để báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an có những biện pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không để phát sinh đơn thư, khiếu tố phức tạp làm ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ và đơn vị; tích cực phòng ngừa sai phạm, góp phần kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND ngày một tốt hơn và có hiệu quả cao hơn. Đồng thời kiến nghị lãnh đạo các đơn vị đề ra các biện pháp cụ thể để tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế, chủ động phòng ngừa, chấn chỉnh những sơ hở vi phạm nhằm góp phần tốt hơn trong việc kiểm soát quyền lực bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy.

Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND hiện nay, vẫn còn những tồn tại, khó khăn, đó là: Hầu hết đơn thư tố cáo liên quan đến một số lãnh đạo cấp phòng, cấp cục có dấu hiệu sai phạm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo chỉ huy trong CAND chủ yếu lại là đơn nặc danh, mạo danh. Mặc dù, theo quy định Luật Tố cáo năm 2018 thì đối với những đơn tố cáo nặc danh, mạo danh, đơn tố cáo không có hoặc không rõ họ tên địa chỉ nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể có cơ sở thẩm tra, xác minh thì cơ quan tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý cán bộ. Nhưng thực tiễn nhiều đơn tố cáo chỉ nêu về mặt hình thức, hiện tượng; nêu sự việc không đúng bản chất; nêu sự việc xảy ra từ lâu, không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, kết luận nên rất khó khăn trong việc kiểm tra, xác minh, kết luận vụ việc. 

leftcenterrightdel
Trụ sở Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: Thái Minh 

Thời gian tới là thời điểm Bộ Công an đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị (tại Văn bản số 13222-CV/VPTW ngày 22/01/2025 của Văn phòng Trung ương) về việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới; Nghị quyết số 18-NQ/ĐUCA ngày 15/12/2023 của Đảng ủy Công an Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra trong CAND, trong đó có mục tiêu xây dựng lực lượng thanh tra CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, hiệu quả và tiến lên hiện đại vào năm 2030; Quy định số 02-Qđi/ĐUCA ngày 22/8/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở các cấp Công an; Kế hoạch số 376-KH-BCA ngày 01/11/2019 của Bộ Công an nhằm góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp Công an và Kế hoạch số 314/KH-BCA ngày 26/7/2021 về điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại Công an xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Theo đó, việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND ở cả 3 cấp theo hướng “Bộ tinh, tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở”; đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 18/02/2025 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Đề án số 05/ĐA-BCA-X11 ngày 07/8/2012 và Kế hoạch số 76-KH-BCA-X11, ngày 03/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, chỉ huy kết hợp với bố trí Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... không phải là người địa phương… nên tình hình đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác tổ chức cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng gia tăng về số lượng đơn, gay gắt về tình chất mức độ (nhất là đơn thư phát sinh liên quan đến việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới và nhân sự chuẩn bị tham gia đại hội Đảng bộ các cấp).

Để thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần nâng cao hiệu quả việc kiểm soát quyền lực đối với việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau: 

Một là, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 282-KH/ĐUCA ngày 25/01/2025 của Đảng ủy Công an Trung ương thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới; Quy định số 16-QĐ/ĐUCA ngày 08/12/2023 của Đảng ủy Công an Trung ương về quy trình, thủ tục điều động, bổ nhiệm, bộ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND. Đồng thời, thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Hai là, cần tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo chức năng, nhiệm vụ góp phần kiểm soát tốt quyền lực trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND; trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị. Đồng thời, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an về công tác cán bộ, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND.

Ba là, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chế về công tác cán bộ, trong đó có nội dung bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy theo hướng: Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của cá nhân; quy định rõ hơn về quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; tăng cường sự tham gia giám sát của các tổ chức đoàn thể trong các khâu công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Mặt khác, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ công chức thuộc quyền quản lý trong thực hiện nhiệm vụ về công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy.

Bốn là, chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn; giải quyết có hiệu quả hơn vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan đến công tác cán bộ và việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, với tinh thần khẩn trương, khách quan, toàn diện, chính xác và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; tập trung vào những vấn đề tố cáo có cơ sở, rõ ràng; qua kiểm tra, xác minh cần kiến nghị biện pháp chấn chỉnh, xử lý, phòng ngừa sai phạm cụ thể, thiết thực, góp phần kiểm soát quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND.

Năm là, tích cực phổ biến, công khai, minh bạch tiêu chuẩn và các quy trình, quy định về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Công an địa phương bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy để cán bộ chiến sĩ và các tổ chức đoàn thể, đơn vị chức năng giám sát, tham gia ý kiến dân chủ. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Thanh tra, Ủy ban Kiểm tra Đảng và cơ quan Tổ chức cán bộ các cấp, các đơn vị chức năng khác trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy CAND. Trước mắt, tập trung rà soát, xác minh, thanh tra, kiểm tra, kết luận các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với đơn vị phát sinh nhiều đơn thư liên quan đến việc bổ nhiệm lãnh đạo, chỉ huy trong CAND./.

Hoàng Văn Sóng - Thanh tra Bộ Công an
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra