Nâng cao chất lượng giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền
Công tác tiếp công dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là kênh thông tin trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những bức xúc của người dân. Trong Quý I/2025, các cơ quan hành chính nhà nước trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức tiếp 1.004 lượt người đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh. Con số này tăng 177 lượt (tương đương 21,4%) so với cùng kỳ năm 2024, với tổng số 1.152 người được tiếp. Đáng chú ý, số lượt người đến phản ánh các vấn đề chủ yếu tập trung ở cấp huyện (437 lượt) và cấp xã (496 lượt), trong khi cấp tỉnh tiếp nhận 98 lượt.
Tổng số vụ việc được tiếp nhận qua các buổi tiếp công dân là 347 vụ, trong đó có 268 vụ việc công dân đến lần đầu và 79 vụ việc công dân đến nhiều lần. Số đoàn đông người (từ 5 người trở lên) là 11 đoàn với 119 người, giảm 02 đoàn so với cùng kỳ. Trong đó, cấp tỉnh đã tiếp 10 đoàn và cấp huyện tiếp 01 đoàn. Điều này cho thấy mặc dù số lượt công dân đến các cơ quan hành chính tăng, nhưng số vụ việc phức tạp, có tính chất đông người lại có xu hướng giảm nhẹ.
Vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân tiếp tục được đề cao. Theo báo cáo, người đứng đầu các cấp đã thực hiện 1.126 kỳ tiếp công dân theo định kỳ hoặc đột xuất, trực tiếp tiếp 514 lượt với 590 người. Việc tiếp công dân được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Mặc dù trong một số trường hợp, do công việc đột xuất, người đứng đầu phải ủy quyền cho cấp phó chủ trì, nhưng việc xử lý, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh sau tiếp dân, việc kiểm tra, đôn đốc và ban hành thông báo kết luận tiếp công dân đều được người đứng đầu thực hiện đầy đủ, thể hiện trách nhiệm cao với công dân.
    |
 |
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi tiếp công dân. Ảnh: ITN |
Song song với công tác tiếp công dân trực tiếp, việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư gửi đến qua các kênh khác (bưu chính, cơ quan khác chuyển đến...) cũng được thực hiện chặt chẽ. Trong Quý I, toàn tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 875 đơn, tăng 183 đơn (tăng 26,4%) so với cùng kỳ. Trong đó, cấp tỉnh tiếp nhận 419 đơn, cấp huyện 248 đơn và cấp xã 208 đơn. Một số địa phương có số lượng đơn thư tương đối cao là huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương và thành phố Vĩnh Yên.
Tính cả 91 đơn từ kỳ trước chuyển sang, tổng số đơn thư cần xử lý trong kỳ là 875 đơn. Các cơ quan chức năng đã xử lý được 812 đơn. Trong số này, có 693 đơn được xác định đủ điều kiện xử lý, tương ứng với 347 vụ việc cụ thể.
Việc phân loại đơn thư được thực hiện kỹ lưỡng theo nội dung và thẩm quyền giải quyết. Về nội dung, có 162 đơn khiếu nại (tương ứng 56 vụ việc), 189 đơn tố cáo (tương ứng 67 vụ việc) và 342 đơn kiến nghị, phản ánh (tương ứng 224 vụ việc). Về thẩm quyền, có 357 đơn (tương ứng 196 vụ việc) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh và 336 đơn (tương ứng 151 vụ việc) không thuộc thẩm quyền (đã được hướng dẫn, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền hoặc lưu đơn theo quy định). Đến cuối kỳ báo cáo, còn 46 đơn đang trong quá trình xem xét, xử lý ban đầu.
Đối với 196 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết (bao gồm 17 vụ khiếu nại, 24 vụ tố cáo và 155 vụ kiến nghị, phản ánh), các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực xem xét, giải quyết. Kết quả, đã giải quyết xong 157/196 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,1%. Hiện còn 39 vụ việc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết (bao gồm 04 vụ khiếu nại, 05 vụ tố cáo và 28 vụ kiến nghị, phản ánh).
Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế
Công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết KNTC được UBND tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy như Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Đồng thời, ban hành 15 văn bản chỉ đạo, điều hành riêng trong Quý I để nâng cao hiệu quả công tác này.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cấp, các ngành tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh duy trì lịch tiếp công dân định kỳ. Ban Tiếp công dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Văn phòng Tỉnh ủy, UBKT Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, Ban Nội chính, Thanh tra, Công an, Tư pháp, TN&MT...) để tham mưu, xử lý đơn thư và chuẩn bị nội dung cho các buổi tiếp dân của lãnh đạo tỉnh. Sau mỗi buổi tiếp, đều có thông báo kết luận và giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời giao Thanh tra tỉnh thường xuyên đôn đốc, báo cáo tiến độ. Tổ công tác của tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các địa phương, sở ngành giải quyết các vụ việc phức tạp. Tính riêng các vụ việc do Chủ tịch UBND tỉnh giao, trong tổng số 137 vụ (105 vụ từ năm 2024 chuyển sang, 32 vụ phát sinh mới), đã có báo cáo, văn bản giải quyết đối với 27 vụ, còn 110 vụ đang tiếp tục xem xét, giải quyết.
Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng được quan tâm. Đối với các vụ việc kéo dài đã được rà soát, đối thoại mà không có tình tiết mới, UBND tỉnh kiên quyết ban hành quyết định giải quyết cuối cùng hoặc thông báo chấm dứt thụ lý theo quy định, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định, kết luận đã có hiệu lực. Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-HĐND về chế độ bồi dưỡng cho cán bộ tiếp dân, xử lý đơn thư và Nghị định số 55/2022/NĐ-CP về Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý, hướng tới chính quyền số.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KNTC được duy trì qua nhiều hình thức như phát thanh, tạp chí, tập huấn nghiệp vụ, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân.
Hoạt động thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC cũng được tăng cường. Trong Quý I, toàn tỉnh đã triển khai 02 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 05 cơ quan, đơn vị và đã ban hành 05 kết luận. Qua thanh tra, đã phát hiện một số tồn tại, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao chất lượng công tác này trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC tại Vĩnh Phúc trong Quý I/2025 đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của các cơ quan chức năng. Việc duy trì tỷ lệ giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền ở mức cao (80,1%) cùng với các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ là nền tảng quan trọng để tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển của tỉnh trong thời gian tới.