Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị:

Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, cấp bách, lâu dài

Thứ hai, 22/07/2024 16:10
(ThanhtraVietNam) - Trong 10 năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Bộ coi trọng, đầu tư về cơ sở vật chất, quan tâm chỉ đạo, phê duyệt kinh phí để phục vụ hoạt động; thực hiện chi trả chế độ cho công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định.

Các điều kiện cho hoạt động tiếp công dân được bảo đảm

Theo đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), Ban cán sự đảng coi trọng, đầu tư về cơ sở vật chất; từng bước kiện toàn tổ chức, đội ngũ công chức làm công tác này ngày càng được nâng cao trình độ, trong đó có nhiều công chức có kinh nghiệm công tác lâu năm trong ngành giáo dục, được đào tạo chuyên ngành luật.

Hệ thống văn bản về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh được Bộ GDĐT quan tâm xây dựng và hoàn thiện làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ.

Việc triển khai các quy định của Luật tiếp công dân được Thanh tra Bộ kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện. Cụ thể:  Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận thông tin của công dân thường trực tại 2 địa điểm: Trụ sở Bộ GDĐT tại số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Trung tâm phát triển giáo dục phía Nam, số 3 Công trường Quốc tế, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 1666/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2022 ban hành Quy chế tiếp công dân, trong đó có quy định cụ thể việc tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng vào ngày 25 hằng tháng; việc tiếp công dân thường xuyên. Quy trình, thủ tục tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định của Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ.

Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân (kinh phí, trang thiết bị, việc áp dụng công nghệ thông tin, ...) được bảo đảm; công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong hoạt động tiếp công dân được thực hiện tốt; không có vụ việc gây mất an ninh, trật tự tại trụ sở Bộ.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ; việc thụ lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền thực hiện theo thủ tục Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Qua công tác giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, đã phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, Bộ cũng còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 35-CT/TW.

Qua thực tiễn thực hiện công tác tiếp công dân cho thấy: Bộ trưởng với vị trí người đứng đầu một ngành, thành viên Chính phủ, là Đại biểu Quốc hội nên khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện quy định trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 01 ngày trong 01 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan theo khoản 2 Điều 18 Luật Tiếp công dân là rất khó khăn. Trong khi đó, Bộ đều có phân công lãnh đạo Bộ phụ trách từng lĩnh vực; cùng với việc Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ, việc tiếp công dân định kỳ cũng có thể phân công cho Thứ trưởng; vì lý do công tác, Bộ trưởng không thể trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân định kỳ hằng tháng mà phải ủy quyền cho Thứ trưởng tiếp công dân hoặc mời công dân có đề nghị tiếp vào ngày tiếp công dân định kỳ sang ngày khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GDĐT vẫn thực hiện tiếp công dân định kỳ và đột xuất đầy đủ theo quy định;

Với quy định về thời hạn xem xét điều kiện thụ lý KNTC trong 10 ngày làm việc tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo là rất khó thực hiện, đặc biệt là những vụ việc phức tạp; cơ quan có thẩm quyền giải quyết rất dễ dẫn đến nguy cơ bị tố cáo là không giải quyết theo đúng thời hạn quy định. Vì vậy, một số việc KNTC, kiến nghị, phản ánh có nội dung phức tạp mất nhiều thời gian kiểm tra điều kiện thụ lý đơn, còn chưa bảo đảm thời hạn thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại;

Qua thực tế thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh ở các đơn vị sự nghiệp công lập cho thấy còn có bất cập trong quy định về chi trả chế độ cho người thực hiện công tác này.

Do đó, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập cho rằng, tại Điều 21 Thông tư số 320/2016/TT-BTC không quy định đối tượng “viên chức” được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tiếp công dân, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. Vì vậy, không chi trả chế độ cho viên chức ở đơn vị sự nghiệp công lập khi làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh dẫn đến chưa thu hút được người làm công tác này tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua theo dõi tình hình thực tiễn về công tác tiếp công dân cho thấy, trong hệ thống cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân có các cấp học từ mầm non đến đại học, tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập không có vị trí việc làm chuyên trách công tác tiếp công dân. Vì vậy, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về việc phải phân công viên chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên là không phù hợp với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.

Bài học kinh nghiệm

Bộ GDĐT luôn xác định công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình KNTC thuộc phạm vi mình phụ trách; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định, gắn việc tiếp công dân với giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh. Khi có vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp phải trực tiếp tiếp công dân, đối thoại làm rõ nguyên nhân khiếu kiện để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình KNTC và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài; tổ chức thực hiện nghiêm túc quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những vụ việc mà các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra