Truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay

Thứ ba, 17/10/2023 14:10
(ThanhtraVietNam) - Đây là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.

Vai trò của truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL

Đầu tiên phải nói truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội không chỉ là mục tiêu mà còn là nguồn lực xã hội quan trọng nhằm góp phần triển khai thành công chính sách trong dự thảo VBQPPL khi triển khai trong thực tiễn. Với khả năng tạo dựng diễn đàn để đối thoại và phản biện chính sách, báo chí và truyền thông tạo cầu nối giữa chủ thể ban hành chính sách công và đối tượng thụ hưởng chính sách công. Truyền thông càng tham gia đầy đủ vào các khâu của quy trình chính sách thì hiệu quả và tác động tích cực của chính sách trong thực tiễn càng được nâng lên, vì vậy, Quyết định số 407/QĐ-TTg được coi là một trong những “cú hích”, giải pháp quan trọng, cấp bách để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bên cạnh đó, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, hướng vào phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. Việc xây dựng các dự thảo chính sách pháp luật cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản chính thức hoặc phi chính thức cản trở quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, công dân và các chủ thể có liên quan.

Năng lực truyền thông dự thảo chính sách cần được coi là phương tiện chủ yếu giúp công dân tham gia vào xã hội và giúp cho nhà nước điều chỉnh hành vi và mục đích của công dân. Qua đó, đặt ra yêu cầu về trách nhiệm giải trình là một trong các cơ chế được xác lập nhằm bảo đảm nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước, là nhân tố cốt lõi trong xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với tích chất và đặc thù hoạt động tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo VBQPPLlà công cụ có vai trò đặc biệt to lớn đối với việc bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình trong hoạt động hành chính công một cách thực chất và hiệu quả.

leftcenterrightdel
Các hình thức truyền thông. Ảnh minh hoạ: ST 

Thực tiễn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông chính sách trong thời gian qua

Qua 01 năm triển khai thực hiện sơ kết tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đạt được một số kết quả nhất định. Một số cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL đã xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách như: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sản xuất các ấn phẩm truyền thông (phim, phóng sự, tọa đàm, infographic…) về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Tạp chí điện tử thanh tra đã có nhiều bài viết tuyên truyền về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng… điển hình như các bài viết về dự thảo Luật Thanh tra 2022.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm tổ chức lấy ý kiến và truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp, tiêu biểu. Một số Luật còn được truyền thông bằng hình thức họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách (dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, dự thảo Luật Giá sửa đổi; dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Bộ Quốc phòng)… Bên cạnh đó, một số bộ, ngành còn tổ chức tham vấn, diễn đàn đối thoại về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Bộ Nội vụ); dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…

Ngoài ra, các Sở, ngành, đoàn thể đã phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương thực hiện truyền thông dự thảo chính sách đến người dân trên địa bàn; đăng tải các dự thảo chính sách, dự thảo VBQPPL của trung ương và địa phương trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp, của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và các sở, ngành; chú trọng truyền thông trên mạng xã hội (zalo, fanpage, facebook) nhằm tạo kênh thông tin, truyền thông nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả về các dự thảo chính sách đang được tổ chức lấy ý kiến.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã có những cách làm hiệu quả, sáng tạo, năng động, như: Việc kịp thời xây dựng, vận hành Chuyên trang “Xây dựng chính sách, pháp luật” của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng tọa đàm về các chính sách trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên VTV1; Tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tư pháp đưa nội dung truyền thông dự thảo chính sách vào tiêu chuẩn thi đua công tác PBGDPL của Phòng Tư pháp quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác này; Công an thành phố Hải Phòng phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố xây dựng các phóng sự truyền thông dự thảo chính sách do ngành Công an chủ trì soạn thảo.

leftcenterrightdel
Hội thảo góp ý, thẩm định Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Tư pháp. Ảnh: TVD 

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông chính sách trong thời gian tới

Một là, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.

Hai là, quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Ba là, xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Bốn là, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Năm là, chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật./.

Trần Văn Duy - Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra