Áp lực nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng

Thứ hai, 05/08/2024 16:01
(ThanhtraVietNam) – Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng lớn và nhỏ đều đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu có xu hướng đi lên, buộc phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Techcombank công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ theo luật mới

Những cổ đông “gần lớn” tại VPBank

Lộ diện danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ tại ngân hàng HDBank

Tăng cường thanh tra để minh bạch thị trường chứng khoán

PGBank bị phạt gần 160 triệu đồng vì vi phạm trong công bố thông tin

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đang ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.

Đáng chú ý, quý 2/2024, cả 3 ông lớn quốc doanh Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu là Vietcombank, tính đến hết 30/6, nợ có khả năng mất vốn của Vietcombank chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu với 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%. Điều này khiến nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 230% xuống 212%. 

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), tính tới cuối quý II, tổng nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức hơn 24.100 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 20% so với thời điểm kết thúc quý I. Trong đó, riêng nợ nghi của nhà băng này lên hơn gấp đôi sau 3 tháng, trên 13.400 tỷ, so với quy mô hơn 5.300 tỷ đồng hồi cuối quý I/2024.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ tổng nợ xấu/tổng tài sản tăng từ 0,97% lên 1,14% tại thời điểm 30/6/2024. Trong đó, số dư nợ xấu đạt 28.687 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm, với mức tăng ở cả 3 nhóm nợ xấu. Đặc biệt, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, tức nợ nhóm 3 tăng mạnh 86,23%, lên 7.113 tỷ đồng vào cuối quý II.

leftcenterrightdel
Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng cao nửa đầu năm 2024. Ảnh: Minh Quang (Nguồn: vietnambiz.vn) 

Ngoài 3 ông lớn kể trên, tình hình nợ xấu ở các ngân hàng ngoài quốc doanh cũng không mấy khả quan, điển hình như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.  Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi nợ nghi ngờ giảm 1,9 lần xuống 2.425 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn của Sacombank tăng mạnh nhất, gấp 1,7 lần đầu năm lên 8.409 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính của ngân hàng TMCP Á Chấu (ACB) cho thấy, tổng nợ xấu/tổng tài sản của Ngân hàng tăng từ 0,82% lên 1,06% trong 6 tháng đầu năm. Số dư nợ xấu của ACB tăng 38%, từ 5.887 tỷ đồng hồi đầu năm lên 8.123 tỷ đồng vào cuối quý II. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất 42%, lên hơn 5.525 tỷ đồng.

Cùng với đó, kết quả kinh doanh bán niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIBBank) cho biết, số dư nợ xấu tăng hơn 21% trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh 91,3%, lên 4.205 tỷ đồng. Từ đó, thúc đẩy tổng nợ xấu/tổng tài sản tăng từ 2,05% thời điểm đầu năm, lên 2,38% vào cuối quý II/2024.

Đối với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ với vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng, Như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) 6 tháng đầu năm nay thu về gần 1.200 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gấp gần 3 lần đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của BVBank nửa đầu năm nay.

Tính chung 6 tháng, BVBank vẫn báo lãi trước thuế 153 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Tổng nợ xấu ngân hàng tính đến cuối quý II/2024 là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77%.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) cũng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 23,9 lần cùng kỳ, lên 244,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, dự phòng KienlongBank đạt 355,9 tỷ đồng, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Về chất lượng vay nợ, tính đến ngày 30/6/2024, nợ đủ tiêu chuẩn của KienlongBank đạt 55.310 tỷ đồng, tăng 10,27% so với đầu năm, nợ cần chú ý giảm 14,29% xuống còn 534 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn giảm hơn nửa xuống 106 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng lên 358 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn ghi nhận 664 tỷ đồng, tăng 47,23%. Tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tại ngày 30/6 là 1,98% tăng so với mức đầu năm là 1,93%.

Ngoài ra, những ngân hàng còn lại cùng có vốn điều lệ dưới 10.000 tỷ đồng như VietABank, PGBank, SaigonBank, Baoviet Bank cũng đa phần đều phải chịu áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ khi tỷ lệ nợ xấu đi lên.

Tại buổi họp báo về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm tổ chức vào tháng 7/2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết nợ xấu đang có xu hướng tăng và nhấn mạnh đây là thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Việc công khai, minh bạch vấn đề này cho thấy trách nhiệm chung của các bên trong việc xử lý nợ xấu; không chỉ ngân hàng mà cả khách hàng cũng phải tăng cường ý thức trả nợ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng thông qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng, tình hình xử lý nợ xấu, nhằm phòng ngừa rủi ro nợ xấu.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai mạnh mẽ phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, bao gồm các giải pháp để tiếp tục kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng; theo dõi việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ của các tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (đã được kéo dài thời gian áp dụng đến 31/12/2024), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai..

B.S tổng hợp

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra