Đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) - Chi nhánh Đống Đa. Cuộc thanh tra được thực hiện từ ngày 07/11/2024 đến ngày 04/12/2024 theo Quyết định số 81/QĐ.HAN-TTGS1 ngày 24/10/2024, tập trung vào hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng lớn và việc xử lý nợ xấu tại chi nhánh.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, bất cập trong công tác quản trị tín dụng và xử lý nợ xấu, tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính nghiêm trọng, mặc dù tình hình kinh doanh của chi nhánh có lãi và tăng trưởng ổn định.
Thẩm định lỏng lẻo và kiểm soát sau vay mang tính hình thức
Theo kết luận thanh tra, tính đến 31/8/2024, tổng dư nợ cho vay tại MSB Chi nhánh Đống Đa là 7.694.996 triệu đồng, trong đó cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống chiếm tới 49,2% (3.787.135 triệu đồng). Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2021, con số này đã tăng tới 119,56%, phản ánh chính sách tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ vào lĩnh vực tiêu dùng của MSB.
Tuy nhiên, chính hoạt động cho vay này lại bộc lộ nhiều điểm yếu trong công tác thẩm định. Đoàn thanh tra chỉ ra rằng Chi nhánh đã không thực hiện thẩm định chặt chẽ khả năng tài chính, nguồn trả nợ của khách hàng, thiếu tài liệu làm cơ sở xác định nguồn thu/thu nhập thực nhận. Cụ thể:
"Chi nhánh xác định nguồn trả nợ dựa vào việc ghi nhận tài sản tích lũy, bảng kê thông tin thu nhập của khách hàng... chưa có tài liệu làm cơ sở xác định chắc chắn nguồn thu/thu nhập thực nhận của các khách hàng; chưa có thông tin tài liệu liên quan đến việc kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân", kết luận thanh tra nêu rõ.
Với 37 khách hàng, tổng số tiền 2.229.761 triệu đồng (chiếm 100% dư nợ được kiểm tra), Chi nhánh thực hiện cấp tín dụng nhưng không tuân thủ đúng quy định về thẩm định và xét duyệt cho vay. Theo đoàn thanh tra, điều này vi phạm khoản 1 Điều 17 "Thẩm định và quyết định cho vay" Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN.
    |
 |
MSB chi nhánh Đống Đa có nhiều vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng. Ảnh: ITN |
Không chỉ lỏng lẻo trong khâu thẩm định, công tác kiểm tra, giám sát sau khi cho vay tại chi nhánh cũng bị đánh giá là mang tính hình thức, thiếu thực chất. Đoàn thanh tra chỉ ra rằng có tới 36/37 khách hàng, tương đương 98% dư nợ được kiểm tra, có tồn tại về kiểm tra, giám sát sau cho vay.
Cụ thể, báo cáo nêu rõ: "Chất lượng kiểm tra sau mang tính hình thức, nội dung kiểm tra chưa đảm bảo đánh giá kiểm soát chất lượng khoản vay hoặc nội dung biên bản chưa đầy đủ theo quy định nội bộ của MSB."
Biên bản kiểm tra sau vay/báo cáo kiểm tra định kỳ được thực hiện theo mẫu, chưa cụ thể, chi tiết đối với việc sử dụng vốn vay, hiệu quả phương án vay vốn, việc tuân thủ điều kiện phê duyệt tín dụng, các cam kết của khách hàng về chuyển doanh thu về tài khoản, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Đặc biệt, với các khoản vay tiêu dùng cá nhân, nhiều trường hợp tài liệu chứng minh mục đích vay vốn là "Hợp đồng mua bán, biên bản giao nhận hàng hóa, giao nhận tiền giữa khách hàng vay vốn và cá nhân không có hóa đơn bán hàng theo quy định", vi phạm Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ.
Nợ xấu có dấu hiệu gia tăng và công tác xử lý còn yếu
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một hình thức cho vay đặc biệt đang phát triển tại MSB Chi nhánh Đống Đa - cho vay theo thỏa thuận bảo đảm để đảm bảo cho việc nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của khách hàng trong tương lai (mua bất động sản dự án).
Đoàn thanh tra lưu ý: "Chi nhánh thực hiện cho vay theo quy định tại Văn bản số 9108/2022/QĐ-TGĐ và 9435/2022/QĐ-TGĐ về Chương trình cho vay đối với CBNV, người thân CBNV và Khách hàng mua BĐS thuộc Dự án nhóm A tại Ngân hàng Bán lẻ."
Tuy nhiên, chi nhánh thẩm định không đánh giá chi tiết thông tin về pháp lý cũng như tình hình thực hiện dự án của chủ đầu tư. Nguồn trả nợ của khách hàng từ lương/thu nhập, cho thuê tài sản căn cứ bảng kê khai thu nhập theo quy định của MSB, không có các tài liệu chứng minh thu nhập thực nhận của khách hàng.
Điểm đáng lo ngại nữa là khách hàng được chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 36 tháng, hoàn trả gốc (khi khách hàng từ chối ký hợp đồng mua bán nhà ở), nhưng chi nhánh chưa phân tích tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư để đánh giá khả năng thực hiện các cam kết này.
Theo số liệu thanh tra, nợ xấu (nhóm 3-5) tại chi nhánh đến 31/8/2024 là 155.554 triệu đồng, chiếm 2,02% tổng dư nợ. Con số này tuy có giảm 32,4% so với cuối năm 2023, nhưng lại tăng 84,1% so với năm 2022 và tăng 61,6% so với năm 2021.
Đặc biệt, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại chi nhánh là 113.458 triệu đồng, chiếm 1,5% tổng dư nợ, tăng 18,73% so với năm 2023 và tăng 104,96% so với năm 2022.
Đáng chú ý, trong 10 khách hàng nợ xấu và nợ đã xử lý rủi ro được kiểm tra, có 9 khách hàng tồn tại trong công tác xử lý nợ có vấn đề/nợ xấu do "báo cáo thẩm định quản lý nợ chưa đánh giá đầy đủ, chi tiết về nguồn trả nợ dự kiến và thu thập các tài liệu chứng minh".
Trong 10 khách hàng này, đoàn thanh tra đánh giá 4 khách hàng "khó có khả năng thu hồi do khách hàng không hợp tác/bất động sản mất nhiều thời gian để xử lý hoặc khoản vay không có tài sản bảo đảm".
Kiến nghị và biện pháp khắc phục
Để khắc phục các tồn tại, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội đã yêu cầu MSB và Chi nhánh Đống Đa thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm:
Nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong công tác cấp tín dụng và xử lý nợ xấu. Nâng cao chất lượng thẩm định trước khi cho vay, xác định hạn mức cho vay phù hợp với nhu cầu vốn và đánh giá nguồn trả nợ chặt chẽ.
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay, đặc biệt với các khoản vay có rủi ro cao. Tăng cường giám sát, đánh giá chặt chẽ tình hình thực hiện các phương án, dự án được tài trợ vốn.
Đối với các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, chi nhánh phải xây dựng kế hoạch thu hồi cụ thể, áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi.
Kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa là hồi chuông cảnh báo không chỉ cho MSB mà còn cho cả hệ thống ngân hàng thương mại về tầm quan trọng của việc thẩm định cho vay chặt chẽ và kiểm soát sau vay hiệu quả.
Các vi phạm được chỉ ra tập trung chủ yếu vào khâu thẩm định trước khi cho vay và kiểm tra giám sát sau cho vay - hai khâu then chốt trong quy trình cấp tín dụng. Việc lỏng lẻo ở các khâu này không chỉ vi phạm quy định của ngành ngân hàng mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn về nợ xấu và an toàn hệ thống.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng đang được đẩy mạnh, các ngân hàng cần cân nhắc giữa mục tiêu tăng trưởng và quản trị rủi ro, đảm bảo việc cấp tín dụng tuân thủ đúng quy định của NHNN và quy trình nội bộ của ngân hàng.