Chặng đường hình thành, phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam

Thứ sáu, 20/05/2022 06:07
(ThanhtraVietNam) - Năm 1998, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) được khai sinh theo Nghị định 48/1998/NĐ-CP. Năm 2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh bắt đầu đi vào hoạt động chỉ với 2 mã cổ phiếu. Năm 2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ra mắt với hoạt động đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2006, khi Luật Chứng khoán được ban hành, TTCK bước vào giai đoạn thay đổi mạnh mẽ (từ chỗ vốn hóa chỉ khoảng 1% GDP giai đoạn 2000 - 2005, vượt qua biến động lớn vào năm 2008 để đạt trên 30% vào năm 2015, có thời điểm đạt trên 80%). Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TTCK Việt Nam đối mặt với thách thức không hề nhỏ. Với quyết tâm của Chính phủ, hy vọng TTCK sẽ sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về huy động vốn

Quan điểm về việc hình thành TTCK nhằm tạo kênh huy động vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước đã được Đảng và Nhà nước đặt ra từ đầu những năm 1990.

Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới (diễn ra ngày 30/7/1994) đã đề ra chủ trương “phát triển các hình thức huy động vốn bằng góp cổ phần, bán cổ phiếu, trái phiếu cho người đầu tư trong nước, thí điểm bán một phần ra thị trường vốn quốc tế; xúc tiến chuẩn bị, từng bước hình thành thị trường chứng khoán”.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất cho sự hình thành TTCK tại Việt Nam, trong đó có sự kiện thành lập Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) vào tháng 11/1996.

Để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành, kinh doanh chứng khoán, nhằm khuyến khích việc huy động các nguồn vốn dài hạn trong nước và ngoài nước, đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền hợp pháp của người đầu tư, ngày 11/7/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK quy định việc phát hành chứng khoán ra công chúng, giao dịch chứng khoán và các dịch vụ liên quan đến chứng khoán và TTCK.

Theo đó, thị trường giao dịch tập trung là địa điểm hoặc hệ thống thông tin, tại đó các chứng khoán được mua, bán hoặc là nơi tham khảo để thực hiện các giao dịch chứng khoán. Thị trường giao dịch tập trung được tổ chức từng bước từ Trung tâm giao dịch chứng khoán lên Sở giao dịch chứng khoán.

Trung tâm giao dịch chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán có nhiệm vụ tổ chức, quản lý, điều hành việc mua bán chứng khoán; quản lý, điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc mua, bán chứng khoán; dịch vụ lưu ký chứng khoán; đăng ký chứng khoán; thanh toán bù trừ đối với các giao dịch chứng khoán; công bố các thông tin về hoạt động giao dịch chứng khoán; kiểm tra, giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán; thu phí niêm yết chứng khoán, phí thành viên, phí giao dịch, phí cung cấp dịch vụ thông tin và các loại phí dịch vụ khác.

Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh ngày nay - PV). Trung tâm chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000 và có phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 với 2 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên. Ngày này đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK Việt Nam.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thêm Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (tiền thân của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - PV). Trung tâm này khai trương vào ngày 8/3/2005, hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung (OTC), tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận.

Giai đoạn 2000 - 2005, những bước chập chững ban đầu của một TTCK non trẻ đã bắt đầu thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong, ngoài nước. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song hoạt động của TTCK vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Thị trường nhỏ bé, vốn hóa trên dưới 1% GDP, chưa thể là kênh huy động vốn dài hạn; thiếu vắng các nhà đầu tư có tổ chức; chất lượng hoạt động, cung cấp dịch vụ chưa cao, tính minh bạch còn hạn chế.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ 

Luật Chứng khoán ra đời, mở ra giai đoạn phát triển mới

Theo các chuyên gia, những khó khăn, hạn chế của TTCK đầu những năm 2000 do nhiều nguyên nhân nhưng khung khổ pháp lý là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, bộc lộ những bất cập, kìm hãm sự bứt phá của thị trường.

Năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo khung pháp lý cơ bản cho các hoạt động phát hành, niêm yết, kinh doanh, giao dịch, công bố thông tin, xử lý vi phạm.

Vào năm 2006, để tạo cơ sở cho TTCK phát triển nhanh, ổn định, hội nhập sâu rộng với thị trường vốn quốc tế và đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư… Luật Chứng khoán đầu tiên đã được ban hành.

Có hiệu lực từ 1/7/2007, Luật Chứng khoán đã hình thành khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện, đáp ứng được yêu cầu về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK; đảm bảo các doanh nghiệp tham gia vào thị trường phải hoạt động công khai, minh bạch, từ đó góp phần làm minh bạch hoá nền kinh tế. Nhiều bất cập, xung đột giữa các văn bản pháp lý được giải quyết, khả năng hội nhập với các thị trường vốn quốc tế được nâng lên.

Vào năm 2009, TTCK ghi nhận một sự kiện mới, đó là việc tổ chức thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt, đáp ứng mục tiêu là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ công tác phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ và góp phần củng cố hình ảnh, độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán vào năm 2010 đã khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý, giám sát, điều hành TTCK và bắt kịp tốc độ phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Năm 2017, TTCK phái sinh được đưa vào vận hành giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, thúc đẩy thanh khoản trên TTCK cơ sở.

Năm 2019, Luật Chứng khoán một lần nữa được thay đổi với nhiều điểm mới mang tính đột phá cùng hệ thống các văn bản quy phạm dưới Luật được sửa đổi, bổ sung đã góp phần hoàn thiện khung pháp luật góp phần đưa TTCK ngày càng trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, tăng cường vốn đầu tư xã hội.

Theo UBCKNN, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế với quy mô huy động vốn giai đoạn 2011- 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Cơ cấu của thị trường từng bước được hoàn thiện, từ chỗ chỉ có thị trường cổ phiếu đến nay đã có thêm thị trường trái phiếu Chính phủ và TTCK phái sinh. Quy mô vốn hóa liên tục tăng trưởng, năm 2000, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu/GDP chỉ chiếm 0,22%, năm 2010 tăng lên 33,52% và tại ngày 31/12/2021 đạt 123,4% GDP năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày từ chỗ rất nhỏ, đến nay đã vượt con số 1 tỷ USD/phiên, vươn lên đứng hàng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Đi qua những biến động, TTCK Việt Nam vẫn đang thể hiện được vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và đứng trước cơ hội lớn để nâng cao vị thế khi mà Chính phủ đang đẩy mạnh các giải pháp để bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra