Thanh khoản nhỏ giọt vẫn hoá “kỳ lân”
Sáng ngày 13/2/2023, cổ phiếu của Công ty cổ phần VNG tiếp tục có phiên tăng trần leo lên mức 1.027.400 đồng/CP, trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua mức giá 847.000 đồng thiết lập bởi cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định vào tháng 5/2007. Nhờ chuỗi tăng phi mã này, vốn hóa thị trường của VNZ đã vượt ngưỡng 25.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,2 tỷ USD. Là doanh nghiệp sở hữu cơ cấu cổ đông cô đặc, mức vốn hóa trên cũng giúp giá trị tài sản của các cổ đông lớn VNZ tăng mạnh, với việc sở hữu 9,84% cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lê Hồng Minh - nhà đồng sáng lập đồng thời là CEO VNG đã vượt 3.600 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 5/1, VNZ chính thức niêm yết trên UPCoM. Toàn bộ thời gian giao dịch của tháng 1, giá VNZ đứng im ở mức 240.000 đồng/cổ phiếu, không có thanh khoản. Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi từ ngày 1/2, khi VNZ ghi nhận thanh khoản 100 - 300 cổ phiếu/ phiên. Qua 8 phiên tăng trần liên tiếp, VNZ tăng giá gấp 3,7 lần, lên mức 893.400 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong thời gian ngắn, thị giá VNZ tăng tới 654.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch hôm 10/2, VNZ ghi nhận thanh khoản cao nhất, cũng chỉ 300 cổ phiếu, chia thành 3 lệnh khớp ngay đầu phiên sáng, đều được đặt ở giá trần. Tính đến sáng ngày 13/2, khối lượng giao dịch của cổ phiếu VNZ mới tăng lên hơn 6 nghìn, chủ yếu là do các nhà đầu tư bắt đầu chốt lãi.
Mới đây, ngày 10/02, Công ty cổ phần VNG đã ra văn bản giải trình việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp theo quy định không khác gì giải trình từ các doanh nghiệp khác. VNG cho biết giá cổ phiếu tăng trần “hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư”. Cùng với đó, “Công ty không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua” và “hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn diễn ra bình thường, không có biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu”.
Điều đáng nói là, mặc dù giá trị cao nhất sàn chứng khoán, nhưng P/E (giá trên thu nhập của cổ phiếu) đang âm nặng; P/E của VNZ hiện âm 58,93; EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) cũng âm hơn 23.000 đồng (Theo vietstock.vn).
|
|
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của VNZ đang âm hơn 23.000 đồng. Ảnh: vietstock.vn |
Năm 2022, lỗ sau thuế hơn 1,3 nghìn tỷ đồng
Diễn biến tăng giá ấn tượng của VNZ xảy ra trong bối cảnh VNG vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 không mấy khả quan. Quý 4/2022, VNG lỗ thêm hơn 547 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021 (267 tỷ đồng). Đây là quý thua lỗ thứ 5 liên tiếp của VNG. Lũy kế cả năm, VNG lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng, tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái (70,9 tỷ đồng). Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh còn gần 28 tỷ đồng (-52%). Hoạt động từ công ty liên doanh, liên kết lỗ gần 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 11 tỷ đồng). Các chi phí khác đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn. Cộng thêm khoản lỗ khác 154 tỷ đồng, VNZ lỗ sau thuế 547 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 268 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VNG đạt hơn 9.092 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, 3.079 tỷ đồng là tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm 1/3 tổng tài sản. So với đầu năm, khoản này giảm 2.000 tỷ đồng.
VNG tăng đầu tư vào các công ty liên kết, đơn vị khác, từ gần 400 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.484 tỷ đồng vào cuối năm. Đáng chú ý, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi trong năm, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio, Funding Asia đều thua lỗ. Trong đó có khoản lỗ lớn đến từ Zion - đơn vị sở hữu ZaloPay. Thời điểm 31/12/2022, VNZ đang nắm 69.98% cổ phần tại CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) với tổng giá trị đầu tư lên tới 2.96 ngàn tỷ đồng. Con số này tăng hơn 1 ngàn tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm hơn 401 tỷ đồng so với cuối quý 3 Trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của VNG cũng tăng mạnh, cuối kỳ là gần 2.720 tỷ đồng, tăng 1.180 tỷ đồng so với đầu năm.
|
|
Trụ sở văn phòng làm việc của công ty cổ phần VNG. Ảnh: cafef.vn |
Cẩn trọng với cổ phiếu bị “làm giá”
Cổ phiếu bị làm giá thường có những dấu hiệu bất thường như tăng giá phi mã, thanh khoản cao hoặc thấp trong khi chất lượng tài sản công ty thấp.
Cổ phiếu bị làm giá là những cổ phiếu bị can thiệp giá bởi đội lái - nhóm các nhà đầu tư, công ty hoặc cá nhân có nhiều kinh nghiệm, vốn lớn và nhiều mối quan hệ trên thị trường liên kết với nhau để thực hiện chiêu trò. Giá của những cổ phiếu này thường được đẩy cao hơn so với giá trị thực nhiều lần trong thời gian ngắn bằng cách tạo cung cầu giả, tung thông thông tin sai lệch, lợi dụng chênh lệch giữa cơ sở và phái sinh... Khi giá được thổi lên ngưỡng cao gấp nhiều lần (đạt đỉnh), đội lái sẽ bán tháo thu về lợi nhuận.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư, bóp méo thị trường và làm giảm niềm tin trong cộng đồng đầu tư. Vì lợi nhuận chênh lệch lớn, không ít tổ chức/cá nhân vẫn cố tình vi phạm, mặc dù rất nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Một số cổ phiếu bị làm giá nổi bật gần đây đã bị cơ quan chức năng khởi tố như cổ phiếu họ Louis, FLC...
Cũng cần lưu ý thêm, các cổ phiếu làm giá thường là các cổ phiếu có lượng cổ đông ít và cơ cấu cổ đông lớn chi phối, lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài ít. Những cổ phiếu mới lên sàn, chưa được nhiều người biết đến nhưng có khối lượng giao dịch lớn cũng dễ là đối tượng bị làm giá. Những doanh nghiệp làm ăn bài bản, thuộc rổ VN30 , hay nhóm bluechip tăng giá đã đành, rất nhiều DN làm ăn thua lỗ hay cổ phiếu thuộc hàng penny cũng tăng giá ầm ầm. Nhà đầu tư cần để ý VNG cũng là doanh nghiệp sở hữu cơ cấu cổ đông cô đặc.
Để tránh bị mắc bẫy cổ phiếu bị “làm giá” nhà đầu tư cần để ý nhận diện các dấu hiệu như: Thanh khoản cao đột biến, báo cáo tài chính ghi nhận nhiều tài sản ảo, xuất hiện thông tin liên tục, làm ăn thua lỗ những vẫn tăng giá ầm ầm… Một số doanh nghiệp không có nhiều tài sản cố định, mà phân bổ chủ yếu ở những khoản thiếu chắc chắn, hoặc khó kiểm soát như phải thu, tồn kho, tài sản vô hình, vốn góp, đầu tư tài chính, tiền cọc.... Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi kém, phụ thuộc các nguồn thu đột biến khác chung chung, không rõ ràng. Như vậy dòng tiền không sinh ra từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Mua cổ phiếu các công ty này có thể sẽ bị pha loãng, cao hơn hơn giá trị thực.
Cổ phiếu bị làm giá có thể mang lại cho nhà đầu tư một khoản lợi nhuận nhanh chóng trong thời gian ngắn nếu mua và bán đúng thời điểm. Tuy nhiên, điều đó thường khó khăn. Đa số nhà đầu tư bị cuốn theo sóng giả của cổ phiếu lái đều mua giá cao và bán lỗ. Do đó, để tránh mua những cổ phiếu bị làm giá, nhà đầu tư cần hiểu rõ doanh nghiệp, chọn doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và đội ngũ ban lãnh đạo minh bạch, đầu tư có tính kỷ luật, không chạy theo số đông và tin đồn.
Tăng cường thanh tra, kịp thời phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu nghi vấn
Trên thực tế, tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán diễn ra rất tinh vi, có tổ chức, gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong khi đó, mức xử phạt còn rất thấp so với số lợi nhuận thu về được của các đối tượng vi phạm nên vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Do đó, để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung việc tháo túng giá cổ phiểu, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, xem xét tăng hình phạt, mức xử phạt nghiêm khắc hơn với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Quy định giải pháp kỹ thuật để kiểm soát giao dịch của các cổ đông nội bộ theo hướng gắn trách nhiệm kiểm soát cho công ty chứng khoán, chỉ cho phép cổ đông nội bộ giao dịch khi đã công bố thông tin đúng quy định.
Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng để có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội phạm về chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán; đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh. Quy định chi tiết hơn về giải trình việc tăng giảm của giá cổ phiếu; với việc giải trình như hiện nay còn rất chung chung, khi có hiện tượng tăng giảm giá cổ phiếu các doanh nghiệp đều giải trình theo kiểu “văn mẫu” giống nhau; điều này chưa tạo được sự minh bạch trong thông tin cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, bên cạnh công văn giải trình của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng cần kịp thời thanh tra các giao dịch của cổ phiếu có giá tăng cao “bất thường” để từ đó công bố thông tin minh bạch cho các nhà đầu tư nắm bắt./.