Dòng tiền kinh doanh âm, GELEX vẫn dốc túi để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng có nhiều năm tranh chấp "giới chủ" cùng 4000 tỷ đồng nợ xấu

Thứ tư, 21/08/2024 06:00
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của GELEX lại âm gần 343 tỷ đồng trong nửa đầu năm, giảm mạnh so với mức hơn 3.000 tỷ đồng cùng kỳ 2023. Tuy vậy, GELEX lại chuyển hướng lấn sân mảng ngân hàng bằng việc tăng sở hữu từ 85,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ) lên 174,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10% vốn điều lệ), qua đó trở thành cổ đông lớn của Eximbank. Ngân hàng này hiện đang có tổng nợ xấu lên đến 4.002 tỷ đồng.

Chính phủ cho ý kiến về đề xuất sửa 7 luật lĩnh vực tài chính

Ngân hàng ACB dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy, nợ có khả năng mất vốn hơn 5.500 tỷ đồng

Ông Trần Hùng Huy là cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất của ngân hàng ACB

Áp lực nợ xấu tăng cao tại nhiều ngân hàng

Chính thức trở thành cổ đông lớn Eximbank

Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX (mã GEX) vừa thông báo trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã EIB) sau khi mua thêm 89 triệu cổ phiếu. Cụ thể, trong hai ngày 7/8 và 8/8/2024, GELEX đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên HoSE.

Sau giao dịch, GELEX tăng sở hữu từ 85,5 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,9% vốn điều lệ) lên 174,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10% vốn điều lệ) qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank. Động thái có phần bất ngờ đã làm dày thêm hệ sinh thái vốn đã nhiều thành viên “đình đám” như Vigalcera, CADIVI, THIBIDI… của GELEX.

GELEX hiện có vốn điều lệ hơn 8.500 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Văn Tuấn là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 202,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,76% cổ phần). Bà Đào Thị Lơ - mẹ của ông Tuấn cũng đang sở hữu 26,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 3,07% cổ phần).

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn GELEX. Ảnh: viettimes.vn 

Thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của GELEX ở mức 52.443 tỷ đồng, giảm hơn 2.600 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm 57% với gần 30.000 tỷ đồng. Số dư nợ vay tài chính vào khoảng 17.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn vốn. So với thời điểm đầu năm, nợ vay của Tập đoàn này đã giảm khoảng 2.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản Eximbank tại ngày 30/6 đã tăng 5% so với đầu năm, lên mức 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% (5.599 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác giảm 27% (31.542 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 8% (151.327 tỷ đồng). Ở phía nguồn vốn, tiền vay NHNN tăng vọt lên hơn 2.500 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% so với đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng có dấu hiệu đi xuống khi nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý 2 ở mức 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm 2024 ở mức 2,64%.

Hoạt động tài chính gánh lợi nhuận, dòng tiền kinh doanh âm

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024, GELEX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 8.250 đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ hơn 21,1% xuống còn 18,2% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 1.498 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với quý 2/2023.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng vọt gấp 10 lần lên gần 1.100 tỷ đồng chủ yếu do GELEX đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng phần lớn vốn góp tại 3 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 196 MW cho Sembcorp Solar Việt Nam. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 2 của GELEX đạt 1.385 tỷ đồng, tăng hơn 59% so với cùng kỳ 2023.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, GELEX ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 14.910 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.770 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,5% và 75% so với cùng kỳ 2023. Với kết quả đạt được, Tập đoàn mới thực hiện 46% kế hoạch doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đề ra.

Kết quả này đạt được chủ yếu do kế hoạch kinh doanh năm 2024 tương đối thận trọng sau một năm 2023 đầy khó khăn với lợi nhuận giảm mạnh. Năm nay, GELEX đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng, tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023.

Mặc dù có lãi nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của GELEX lại âm gần 343 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Holdings, dòng tiền kinh doanh âm không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bất ngờ giảm rất mạnh từ mức hơn 3.000 tỷ về âm cũng khiến giới đầu tư lo ngại.

Về phía Eximbank, Ngân hàng báo lãi trước thuế quý 2 đạt 813 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Eximbank lãi trước thuế 1.475 tỷ đồng, chỉ tăng 5% so với nửa đầu 2023. Với kết quả đạt được, nhà băng này mới thực hiện 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Thuý Vân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra