Gelex dưới thời CEO Nguyễn Văn Tuấn: Từ thương vụ thâu tóm nghìn tỷ, cấu trúc holdings, đến ván cược tại Eximbank

Thứ tư, 25/09/2024 13:21
(ThanhtraVietNam) - Cái tên Gelex bắt đầu được chú ý từ thương vụ thoái vốn nghìn tỷ đồng của Bộ Công Thương cuối năm 2015, tiếp đó là sự thay đổi dưới thời CEO Nguyễn Văn Tuấn và hiện tại là ván cược mới tại Eximbank.

Dòng tiền kinh doanh âm, GELEX vẫn dốc túi để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng có nhiều năm tranh chấp "giới chủ" cùng 4000 tỷ đồng nợ xấu

Gelex - Thương vụ đầu tiên ghi danh CEO Nguyễn Văn Tuấn

Gelex tiền thân là Tổng công ty thiết bị kỹ thuật điện, thành lập từ năm 1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu kỹ thuật điện thuộc Bộ Công Thương. Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, với đặc tính “thuần” doanh nghiệp Nhà nước, cái tên Gelex phải tới cuối năm 2015 mới được thị trường chú ý.

Bước chuyển mình của doanh nghiệp này đến từ thương vụ thoái toàn bộ 78,74% vốn của Gelex thuộc sở hữu của Bộ Công Thương, thông qua giao dịch khớp lệnh trên thị trường chứng khoán, tạo nên một phiên giao dịch lịch sử trên UPCoM. Quy mô thoái vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng, nhưng toàn bộ lượng cổ phiếu Gelex bán ra khi đó được “hốt” trọn chỉ trong ít phút.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex hiện tại, là một trong số những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này sau thương vụ thoái vốn thời điểm đó.

Trước thương vụ này, ông Nguyễn Văn Tuấn từng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Chứng khoán VIX, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ IB. Ông Tuấn rời VIX vào năm 2016 để giữ vai trò điều hành tại Gelex sau đó. Sau khi ông Tuấn rời khỏi công ty chứng khoán này, chị gái ông là bà Nguyễn Thị Tuyết giữ vai trò Phó chủ tịch kiêm CEO và được bầu làm Chủ tịch HĐQT cuối năm 2022, trước khi từ nhiệm vào tháng 2/2023.

Thuộc nhóm những đại gia mới nổi từ thị trường chứng khoán, thương vụ “ghi danh” của CEO Gelex được chú ý bởi cả quy mô giao dịch và thời gian thực hiện. Sự chuẩn bị của ông Tuấn thể hiện qua thời gian giao dịch chỉ tính bằng phút ngay khi Bộ Công Thương bán lượng lớn cổ phiếu qua sàn.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Gelex. Ảnh: Song Ngọc (Nguồn: vietnambiz.vn)

Nói về việc đầu tư vào Gelex khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Tuấn cho biết lịch sử hình thành của tập đoàn này tương đối khác biệt. Công ty ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn hóa và đến năm 2015 thì cổ đông Nhà nước thoái vốn. Khi đó, CEO Gelex cho biết chiến lược của ông tập trung vào M&A để tăng quy mô, bởi nếu ông không mua thì người khác cũng mua.

"Nếu lúc đó chúng tôi không mua thì doanh nghiệp khác cũng sẽ mua, hoặc có thể rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài", ông Nguyễn Văn Tuấn nói với cổ đông Gelex tại ĐHĐCĐ năm 2022, trước câu hỏi về những tin đồn trên thị trường liên quan tới đợt thoái vốn này. Ông Tuấn cũng khẳng định những gì thực hiện là tuân thủ pháp luật, không làm bậy, không làm sai, tuân thủ các quy định với từng thời kỳ khác nhau.

“Đế chế” của CEO Nguyễn Văn Tuấn được hình thành như thế nào?

Sự thay đổi của Gelex sau khi cổ đông Nhà nước thoái vốn là việc thực hiện hàng loạt thương vụ M&A với tốc độ nhanh nhằm mở rộng quy mô, cấu trúc hoạt động tập đoàn theo hướng holdings nắm giữ khoản đầu tư tại những công ty con. Những bước chuyển mang đúng dáng dấp của người lãnh đạo mới theo phong cách tài chính.

Ở khía cạnh mở rộng, kể từ khi Bộ Công thương thoái vốn chi phối vào cuối năm 2015, Gelex đã thực hiện M&A những doanh nghiệp đầu ngành như Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Nước sạch Sông Đà, Sotrans, Cảng Đồng Nai, gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty thành viên Cadivi, Thibidi. Trong đó, thương vụ mang dấu ấn lớn là việc thâu tóm Tổng công ty Viglacera – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Năm 2019, Gelex và các công ty con bắt đầu tăng nhanh sở hữu tại Viglacera thông qua việc liên tục mua vào cổ phiếu. Đầu năm 2021, Gelex chính thức sở hữu trên 50% cổ phần tại doanh nghiệp đầu ngành bất động sản khu công nghiệp phía Bắc.

Sau khi cơ bản thâu tóm xong Viglacera, Gelex tái cấu trúc hoạt động theo mô hình tập đoàn, thông qua việc sở hữu các công ty con chia theo từng mảng hoạt động.

Mảng thiết bị điện được quản lý thông qua Công ty cổ phần Thiết bị điện GELEX (GELEX Electric). Doanh nghiệp này chuyên về sản xuất công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp điện), sở hữu chi phối vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thiết bị điện như CADIVI, THIBIDI, EMIC, HEM, và một số doanh nghiệp nhóm nguồn phát điện. 

Hạ tầng GELEX (vốn điều lệ 7.900 tỷ đồng) chuyên đầu tư và kinh doanh vào mảng hạ tầng (bất động sản khu công nghiệp, bất động sản thương mại, điện, nước sạch, ...).

Ván cược mới tại Eximbank liệu có mạo hiểm?

Mặc dù giữ vị trí CEO, cũng là người định hình hoạt động của Gelex từ một doanh nghiệp nhà nước sang một tập đoàn mang hơi hướng đầu tư, ông Tuấn ít xuất hiện trước truyền thông, cũng ít được nhắc tới trực diện. Những lần hiếm hoi ông Tuấn lộ diện là phiên họp ĐHĐCĐ thường niên các năm. Nhưng không vì thế mà cái tên Nguyễn Văn Tuấn kém đi vị thế.

Khi thông tin Gelex sở hữu cổ phần tại Eximbank và thể hiện tham vọng nắm một tỷ lệ “có tiếng nói” tại nhà băng này, CEO Nguyễn Văn Tuấn lại được chú ý.

Theo danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn tính tới ngày 1/7 được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố, tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ ngân hàng). Đứng thứ hai là Công ty chứng khoán VIX với hơn 62 triệu cổ phiếu (3,58%). Gelex và VIX đều là cái tên không mấy xa lạ với ông Tuấn.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo chấp thuận cho Gelex nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank lên 10% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn của nhà băng này. Đây cũng là mức tối đa cổ đông tổ chức được sở hữu ở một ngân hàng, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Chưa tới một tuần sau đó, Gelex mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB. Sở hữu của tập đoàn này tại Eximbank tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn.

Xuất phát điểm là lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn, ghi dấu với việc chuyển hướng Gelex thành một tập đoàn đầu tư, thương vụ mới của công ty này được cho là cái đích để người đứng đầu Gelex thể hiện rõ hơn khả năng của mình. Chưa kể, trong giới kinh doanh, “ghế” Chủ tịch một ngân hàng luôn là vị thế đáng mơ ước.

Kỳ sau ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục thông tin về hệ sinh thái có quan hệ với CEO Nguyễn Văn Tuấn, là các cổ đông lớn đang nắm những vị trí chủ chốt tại Eximbank.

Tuấn Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra