Theo Thanh tra Chính phủ, sau 05 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác này đã có những bước tiến quan trọng, mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất tích cực, toàn diện, đồng bộ; tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo, thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá.
Từ đó khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh PCTN với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Kết quả tích cực của công tác PCTN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.
Một số giải pháp PCTN hiệu quả còn chưa cao như: Tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu hạn chế; quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn phải tăng cường; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN chưa cao; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả...
|
|
Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật PCTN được Thanh tra Chính phủ tổ chức trực tuyến toàn quốc vào 24/12/2024. Ảnh: Minh Nguyệt |
Tổng hợp báo cáo của các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan và kết quả thanh tra, kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình của Thanh tra Chính phủ cho thấy, PCTN tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đạt được một số kết quả như sau:
|
Hiện nay, có 1.307 tổ chức tín dụng đã được cấp phép, công nhận thành lập đang hoạt động. Số lượng công ty đại chúng được cấp phép, công nhận thành lập đang hoạt động từng năm dao động 1.724 -1.781; số lượng các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán đã được cấp phép và công nhận thành lập gồm: dao động 82 - 83 công ty chứng khoán, dao động 43 - 45 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, dao động 105 - 116 quỹ đầu tư chứng khoán và dao động 15 -19 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
|
Một là, nhiều tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã xây dựng, ban hành và thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử nghề nghiệp, như: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành “Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng”; Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định đạo đức, nghề nghiệp người làm báo Việt Nam…
Các tổ chức xã hội khác và các doanh nghiệp cơ bản đã và đang thực hiện quy chế văn hóa ứng xử hoặc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hai là, việc thành lập Hội, cấp phép thành lập và công nhận Điều lệ Hội, thành viên Hội đồng quản lý của Hội được quan tâm thực hiện ngày càng chặt chẽ.
Giai đoạn 2020 -2024, Bộ Nội vụ đã ban hành 61 Quyết định về việc cho phép thành lập hội; 24 Quyết định về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ; 01 Quyết định về việc thu hồi Giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ Từ thiện vì cộng đồng; 02 Quyết định cho phép đổi tên.
Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra 109 hội và 10 quỹ trong các năm.
Ba là, việc công khai, minh bạch về quy chế huy động, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp để hoạt động từ thiện đã được đã được thực hiện tốt hơn.
Một số cơ quan, tổ chức (như: Hội chữ thập đỏ, Quỹ vì người nghèo...) đã thực hiện việc công khai thông tin về các khoản đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện kiểm toán các khoản thu, chi của tổ chức.
Bốn là, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán đã thực hiện công khai (công bố thông tin) nghiêm túc, chặt chẽ hơn.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch (40 cuộc thanh tra và 08 cuộc kiểm tra), gắn với kiểm tra đột xuất (48 cuộc) đối với các công ty đại chúng, quản lý quỹ, kiểm toán, chứng khoán.
Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh được nhiều vi phạm (ban hành 407 quyết định xử phạt 229 tổ chức và 178 cá nhân với tổng số tiền phạt là 47,78 tỷ đồng)./.