Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về phát triển thị trường chứng khoán

Thứ sáu, 10/06/2022 15:02
(ThanhtraVietNam) - Thị trường chứng khoán (TTCK) hiện đang thể hiện vai trò nổi bật là kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, doanh nghiệp cũng như là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng. Do vậy, cần phát triển TTCK bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Có thể nói, năm qua, chứng khoán là kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư trong tương quan với các kênh đầu tư đại chúng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp, nhiều kênh đầu tư khác gặp trở ngại do dịch bệnh đã khiến TTCK gia tăng lực hấp dẫn đối với dòng tiền. TTCK nhờ đó có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2021.

Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, tính đến ngày 28/12/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Theo Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm 2020-2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.

Năm 2021 cũng chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản, tăng 47,3%.

Trong năm, quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cũng cao kỷ lục. Theo các báo cáo ước tính, năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển TTCK

TTCK Mỹ - hệ thống thông tin minh bạch

TTCK Mỹ có lịch sử phát triển đã hơn 200 năm với 14 sở giao dịch, khối lượng giao dịch thuộc loại lớn nhất thế giới. Tính ổn định về mặt kỹ thuật của nó đủ cho thấy hệ thống thông tin được tổ chức tốt đến mức nào. Hệ thống thông tin của TTCK Mỹ vận hành trôi chảy là do nó được tổ chức tốt, được đầu tư hợp lý về cơ sở hạ tầng. Ủy ban Chứng khoán Mỹ là cơ quan quản lý, giám sát về lĩnh vực chứng khoán, đã thiết lập được khung pháp luật thực sự mạnh và có hiệu lực để quản lý TTCK nói chung và hệ thống thông tin chứng khoán nói riêng. Mọi hoạt động của các chủ thể tham gia trên TTCK như sở giao dịch chứng khoán, các công ty niêm yết, công ty chứng khoán... đều phải tuân theo những quy định của ủy ban trong quy chế công bố thông tin cũng như các hoạt động giao dịch.

Các công ty niêm yết có những ràng buộc rất chặt chẽ. Ngoài việc chấp hành các nguyên tắc về công bố thông tin chung của các TTCK, họ còn có sự kiểm soát khác từ phía người đầu tư. Chẳng hạn, các công ty muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng với số lượng cổ đông lớn, họ phải lập và nộp bản thông cáo phát hành. Các nhà đầu tư có quyền khởi kiện công ty, nếu công ty công bố bất cứ điều gì sai sự thật trong bản thông cáo phát hành.

Mặt khác, các công ty chứng khoán khi đưa ra thông tin của mình cho các nhà đầu tư bằng các hình thức tư vấn cũng phải rất thận trọng. Bởi, một mặt họ phải tuân theo những quy định rất rõ ràng trong việc công bố thông tin thông qua Đạo luật Tư vấn đầu tư; mặt khác, nếu vi phạm, họ lập tức sẽ bị tẩy chay và sẽ có người thay thế họ ngay trên thị trường. Vì vậy, các thông tin của các TTCK là rất đáng tin cậy. Hơn nữa, tại TTCK Mỹ có thêm loại hình công ty bảo vệ người đầu tư. Do đó, các hành vi công bố thông tin sai trái, thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến người đầu tư thì khó có thể tồn tại. Đặc biệt, TTCK Mỹ luôn chú trọng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hệ thống thông tin để quản lý và giao dịch hiệu quả, bảo đảm lợi ích về thông tin cho người đầu tư. Cụ thể là, các sở giao dịch được khuyến khích áp dụng các thành tựu của công nghệ thông tin trong giao dịch. Lúc đầu các giao dịch tại sở được thực hiện bằng thủ công, nhưng cùng với sự phát triển của các ngành công nghệ, việc giao dịch đã chuyển dần sang hình thức bán tự động và tự động. Tại các sở giao dịch chứng khoán của Mỹ đều có riêng bộ phận giao dịch và kỹ thuật, có chức năng tạo ra môi trường giao dịch công bằng, công khai và hiệu quả cho các thành viên. Bộ phận này có nhiệm vụ bảo đảm mọi thông tin, số liệu về giao dịch các chứng khoán được phổ biến kịp thời, chính xác tới các thành viên, người giao dịch và thị trường.

Vấn đề mạng truyền thông cũng được phát huy tối đa tại TTCK Mỹ. Thông tin tại các sở giao dịch luôn thông suốt, có thể kết nối được với các TTCK lớn khác trên toàn thế giới. Hệ thống thông tin chứng khoán được phát triển cũng bởi mạng lưới các hãng cung cấp thông tin chuyên nghiệp, các công ty chuyên làm dịch vụ tư vấn với hơn 80.000 khung màn hình máy tính khác nhau thể hiện bản tin chứng khoán của hơn 80.000 công ty, cung cấp các số liệu, phân tích chứng khoán đến từng địa phương ở Mỹ. Những công ty này chỉ phục vụ cho khách hàng hội viên của công ty, cho nên, để được tham gia, người đầu tư phải trở thành hội viên thực sự và phải cần một chi phí cũng rất lớn.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Singapore - TTCK phát triển nhanh và bền vững

TTCK phái sinh Singapore được hình thành từ năm 1984 với việc thành lập thị trường trao đổi tiền tệ quốc tế Singapore, sản phẩm chủ yếu là hợp đồng tương lai của chỉ số Nikkei 225. Tới tháng 12/1999, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đồng thời tiết kiệm được nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và tập trung được nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ngay từ khi mới thành lập, các nhà quản lý thị trường đã có một quyết định hợp lý khi cho phép TTCK phái sinh Singapore được liên thông với thị trường Chicago. Nhờ đó, nhà đầu tư được phép giao dịch giữa 2 thị trường mà không tốn chi phí.

Bên cạnh đó, điều kiện tham gia thị trường cũng được TTCK Singapore quy định cụ thể cho từng nhóm đối tượng: Đối với thành viên giao dịch là cá nhân: phải là một nhà kinh doanh phái sinh chuyên nghiệp, có đầy đủ kiến thức, hiểu biết về chứng khoán phái sinh, không yêu cầu vốn tối thiểu; Đối với thành viên thanh toán: phải có mức vốn tối thiểu 5 triệu đô la Singapore, có giấy phép cung cấp dịch vụ thị trường vốn và đáp ứng những chuẩn mực tài chính cao nhất. Quy định này đã thu hút nhiều NĐT tham gia thị trường trong thời gian đầu thành lập, tạo lập nền tảng giúp TTCK phái sinh phát triển nhanh và bền vững. Sau đó, Singapore bắt đầu đưa thêm quyền chọn cổ phiếu vào giao dịch và tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Nguyên nhân là bởi nước này đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Thay thế hệ thống khớp lệnh tài sản bằng hệ thống giao dịch điện tử trực tuyến; Miễn yêu cầu về cáo bạch; Giảm bớt các tiêu chuẩn niêm yết quyền chọn.

Hàn Quốc - cơ sở hạ tầng TTCK hiện đại

Năm 1993 đánh dấu sự kiện quan trọng TTCK phái sinh Hàn Quốc chính thức ra đời. Tháng 5/1996, lần đầu tiên các công cụ phái sinh và chỉ số các hợp đồng chứng khoán tương lai (KOSPI 200) được đưa ra dựa trên việc tính toán chỉ số giá cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc. Chỉ sau một tháng hoạt động, thị trường quyền chọn KOSPI 200 đã cho thấy rõ hiệu quả hoạt động và sự cần thiết có một thị trường các công cụ phái sinh chính thức. Nhờ sự thành công khi đưa thị trường này vào hoạt động, các cơ quan quản lý ngành chứng khoán Hàn Quốc quyết định đưa thị trường quyền chọn KOSPI 200 vào hoạt động tháng 7/1997. Sau đó, vào tháng 4/1999, Sở giao dịch các hợp đồng tương lai Hàn Quốc (KOFEX) được thành lập. Ngoài các công cụ phái sinh đang được giao dịch trên KSE, các sản phẩm quyền chọn và hợp đồng tài chính tương lai đều được giao dịch trên KOFEX. Hàng hóa được niêm yết trên Sở này là quyền chọn và hợp đồng tương lai Trái phiếu kho bạc Hàn Quốc, Hợp đồng tương lai lãi suất Trái phiếu ổn định tiền tệ và chỉ số tương lai KOSDAQ 50, quyền chọn và hợp đồng tương lai phát hành với mệnh giá tính bằng USD…

Để có được thành công trên, Hàn Quốc đã xây dựng được một cơ chế pháp lý chặt chẽ và có các ưu đãi nhất định ban đầu đối với những thành viên tham gia TTCK, cụ thể là ưu đãi thuế; Tạo dựng được một cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu giao dịch khớp lệnh nhanh chóng. Chấp nhận giao dịch trực tuyến ngay từ khi đưa TTCK phái sinh vào hoạt động; Áp dụng phương pháp ký quỹ chặt chẽ khi thực hiện các giao dịch chứng khoán phái sinh nhằm ngăn ngừa rủi ro thanh khoản, việc ký quỹ được thực hiện dựa trên 2 quy chế là mức ký quỹ ban đầu và ký quỹ duy trì.

Bài học cho Việt Nam về phát triển TTCK

 Bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của thị trường

Trong thời gian vừa qua, TTCK có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế. Quy mô TTCK thời điểm hiện nay đạt 92,1% GDP, quy mô thị trường trái phiếu là 38,45% GDP, trong đó quy mô thị trường TPDN đạt khoảng 14,1% GDP.

Sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán. Để phát triển TTCK ngày càng minh bạch, hiệu quả, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để quản lý và phát triển thị trường. Cụ thể:

Một là, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường: Đối với thị trường cổ phiếu sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Trước mắt, tập trung triển khai các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như cắt giảm thủ tục hành chính, điều chỉnh giảm giá dịch vụ, các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Đối với thị trường TPDN sẽ phát triển thị trường theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Trước mắt, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; kiến nghị Quốc hội rà soát tổng thể các quy định về phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán.

Hai là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Đối với các tổ chức trung gian thị trường, tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên TTCK triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.

Ba là, phát triển nhà đầu tư, thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm... Đồng thời, tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng bảo đảm tính công khai, minh bạch trên thị trường vốn, ổn định thị trường tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tiếp tục mở rộng phạm vi và tần suất giám sát, thanh, kiểm tra; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK. Theo đó, trong giai đoạn tới, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng, công ty không đại chúng khi huy động vốn, tăng cường giám sát, tránh hiện tượng thao túng, làm giá nhằm phát triển TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch.

Khuyến khích sự phát triển minh bạch, bền vững

Thời gian vừa qua, cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin, sử dụng vốn huy động không đúng mục đích đã công bố. Do vậy, song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để khắc phục những tồn tại, bất cập của thị trường.

Đặc biệt, quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định, minh bạch và bền vững; liên thông với thị trường tín dụng ngân hàng để cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể tham gia thị trường gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Theo đó, đối với doanh nghiệp phát hành cần có phương án huy động vốn rõ ràng, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật. Công bố thông tin đầy đủ, công khai, minh bạch để nhà đầu tư hiểu rõ về mình. Đồng thời, tính toán việc huy động vốn đảm bảo khả năng trả nợ, giữ chữ tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Đối với các nhà đầu tư, cần phải tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia TTCK; đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến chứng khoán dự kiến đầu tư, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức, cá nhân môi giới mà không kiểm chứng thông tin. Còn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ cần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Qua đó, những biện pháp xử phạt thời gian qua sẽ giúp tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển TTCK, thị trường TPDN của cơ quan quản lý. 

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế" ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp như bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước. Ai cố tình vi phạm thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng bày tỏ “Bộ Tài chính tin tưởng, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm phát triển kinh tế, TTCK sẽ tiếp tục phát triển ổn định là kênh đầu tư an toàn hiệu quả cho mọi nhà đầu tư chân chính trên thị trường”./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra