Lãi ròng “bốc hơi” quá nửa, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang âm dòng tiền, mất cân đối tài chính

Thứ sáu, 10/05/2024 13:30
(ThanhtraVietNam) - Trong quý I/2024, lưu chuyển tiền thuần của Masan âm đến hơn 1.631 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 2.355 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 35 tỷ đồng (cùng kỳ 2023 âm hơn 341 tỷ).

Từng muốn tài trợ 155 triệu bảng cho trường đại học ở Anh trong khi kinh doanh “èo uột”, Sovico Group của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện làm ăn thế nào?

Tạp chí Thanh tra đang triển khai, thực hiện các Chuyên đề, trong đó có nội dung phản ánh về những hoạt động, kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, qua đó thông tin đến bạn đọc một góc nhìn khách quan nhất về Tập đoàn này trong những năm qua.

Lãi ròng giảm mạnh, âm nặng dòng tiền

Theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán quý 1/2024, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - mã MSN) ghi nhận doanh thu thuần hơn 18.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn lại giảm nhẹ giúp lợi nhuận gộp tăng 3% so với cùng kỳ 2023, lên mức 5.255 tỷ đồng. Biên lãi gộp tương ứng đạt gần 28%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Masan giảm gần 12% so với quý 1/2023 xuống mức 574 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính cũng giảm 4% còn gần 1.900 tỷ. Lãi từ các công ty liên kết tăng gần 28% so với cùng kỳ, lên 1.249 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp chỉ cũng tăng lần lượt 8% và 13% so với cùng kỳ.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 của Masan đạt gần 479 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng phân bổ cho chủ sở hữu công ty chỉ ở mức 104 tỷ đồng, giảm gần 52% so với quý 1/2023.

Đáng chú ý, lưu chuyển tiền thuần của Masan trong quý đầu năm âm đến hơn 1.631 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 dương hơn 2.355 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 35 tỷ đồng (cùng kỳ 2023 âm hơn 341 tỷ). Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính cũng đều âm.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group. Ảnh: 24h.com.vn

Mất cân đối tài chính

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Masan đã giảm nhẹ 1% so với đầu năm, xuống mức 146.522 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền còn hơn 8.492 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm có hơn 10.124 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn hơn 14.304 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu khách hàng có hơn 2.496 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Masan còn đang trong tình trạng mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn gần 7.000 tỷ đồng. Cụ thể, tài sản ngắn hạn đã giảm gần 3% so với đầu năm xuống còn hơn 42.629 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn tại ngày cuối quý lên đến 49.428 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Masan đang dùng vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn, tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản.

Tính đến cuối quý 1, vốn chủ sở hữu của Masan ở mức hơn 38.833 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả gần 107.689 tỷ đồng, gấp 2,77 lần. Trong đó, tổng nợ vay tài chính của Masan gần như đi ngang so với đầu năm, ở mức hơn 69.653 tỷ đồng, chiếm gần 48% tổng nguồn vốn. 3 tháng đầu năm, Masan phải trả gần 1.622 tỷ đồng lãi vay, tương ứng mỗi ngày phải trả khoảng gần 18 tỷ đồng cho khoản này.

Không chia cổ tức

Năm 2024, Masan đặt mục tiêu doanh thu 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng 7-15% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 2.250-4.020 tỷ đồng, tăng 20-115% so với thực hiện năm 2023. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và 2024, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ không chia cổ tức.

Lãnh đạo Masan cho biết, tập đoàn sẽ tập trung vào các trụ cột tăng trưởng lợi nhuận của các công ty kinh doanh tiêu dùng thuộc Masan Consumer, thúc đẩy tăng trưởng Wincommerce và cải thiện hơn nữa biên lãi gộp, xây dựng chương trình hội viên cho hệ sinh thái, giảm đòn bẩy tài chính, giảm sở hữu các mảng kinh doanh không cốt lõi...

Trong đó, Wincommerce dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500-34.000 tỷ đồng, tăng 8-13% so với năm trước. Doanh thu thuần của Masan Consumer dự kiến đạt từ 32.500-36.000 tỷ đồng trong năm 2024, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân.

Phúc Long dự kiến đạt 1.790-2.170 tỷ đồng, tương ứng tăng 17- 41% so với cùng kỳ, dự kiến mở từ 30 đến 60 cửa hàng mới. Masan Meatlife dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 7.100-7.800 tỷ đồng, tương ứng tăng 2-12% so với năm trước, nhờ tập trung đầu tư vào mảng kinh doanh thịt chế biến và giảm quy mô trang trại chăn nuôi gà.

Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 15.000-15.800 tỷ đồng, tương ứng tăng 6-12% so với năm 2023. Công ty thuê nhà thầu nổ mìn mới đưa vào hoạt động trong quý 1/2024, đặt trọng tâm tối ưu hóa chi phí, đồng thời giảm đòn bẩy tài chính./.

Thu Thủy

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra