Minh bạch thông tin - Nhìn từ việc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh không báo cáo dự kiến giao dịch

Chủ nhật, 04/09/2022 21:16
(ThanhtraVietNam) - Để đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành theo đúng nguyên tắc “công khai, công bằng và minh bạch”, điều kiện đầu tiên là cần thực hiện tốt việc công bố đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (Mã: REE) vì không báo cáo dự kiến chuyển nhượng hàng trăm triệu cổ phiếu tại các doanh nghiệp có liên quan. Vậy giải pháp nào để giúp minh bạch thông tin nhằm thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

REE bị phạt vì giao dịch cổ phiếu trái phép gấp hơn 3,5 lần FLC

Theo thông tin công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Ngày 21/7/2022 UBCKNN ban hành Quyết định số 522/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (Địa chỉ: 364 Cộng Hòa, Phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)) số tiền 110.000.000 đồng theo quy định tại Điểm g Khoản 4 và Khoản 6, Điều 27, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 108/2013/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 35 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh đã có hành vi vi phạm hành chính: “Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch". Cụ thể, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh – tổ chức có liên quan đến ông Quách Vĩnh Bình - người đại diện được chỉ định tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình - mã chứng khoán: NBP và là thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện Srok Phu Miêng Idico - mã chứng khoán: ISH, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Quang Quyền - thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ - mã chứng khoán: SBH, Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung - mã chứng khoán: CHP, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà - mã chứng khoán: TBC, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ - mã chứng khoán: TMP, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn sông Hinh - mã chứng khoán: VSH và tổ chức có liên quan đến ông Lê Tuấn Hải - thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện miền Nam - mã chứng khoán SHP thực hiện chuyển quyền sở hữu 3.789.400 cổ phiếu NBP, 33.324.802 cổ phiếu CHP, 38.365.168 cổ phiếu TBC, 29.843.740 cổ phiếu TMP, 102.138.910 cổ phiếu VSH, 10.389.490 cổ phiếu SHP, 32.000.000 cổ phiếu SBH và 15.433.893 cổ phiếu ISH ngày 10/11/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Trước đó, ông Trịnh Văn Quyết bị xử lý vi phạm khi bán "chui" 74.800.000 đơn vị cổ phiếu, trong khi đó, tổng lượng cổ phiếu REE giao dịch như thông báo của UBCKNN lên tới 265.276.403 đơn vị, tức cao hơn gấp 3,5 lần vụ việc xảy ra tại FLC.

leftcenterrightdel

REE bị phạt 110 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ảnh: congthuong.vn 

Không minh bạch thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán và nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán (TTCK) là thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin. Người có lợi thế về thông tin sẽ có cơ hội giành chiến thắng trong đầu tư. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của TTCK, hoạt động công bố thông tin cần được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản như: tính đầy đủ và chính xác; kịp thời và liên tục; công bằng với đối tượng nhận thông tin. Các yêu cầu này đòi hỏi được tuân thủ ở tất cả các đối tượng thuộc diện công bố thông tin, từ các cơ quan quản lý nhà nước, sở giao dịch chứng khoán đến các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và cá nhân có liên quan.

Tại Việt Nam, công bố thông tin được quy định trong các văn bản pháp luật và ngày càng tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới. Các nội dung về công bố thông tin được quy định tương đối đầy đủ trong Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK. Đồng thời, các quy định về xử lý vi phạm cũng đã được đưa ra trong Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP.

Về bản chất, TTCK là thị trường của thông tin. Nhà đầu tư dựa vào các thông tin liên quan đến tổ chức phát hành, diễn biến thị trường và chính sách tác động... để đưa ra quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm về việc đầu tư đó. Nói cách khác, thông tin đóng vai trò dẫn dắt dòng tiền trong xã hội. Từ đó, thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn của thị trường này. Vì vậy, yêu cầu quan trọng để TTCK vận hành một cách hiệu quả, công bằng và lành mạnh là cần minh bạch thông tin.

Những năm qua, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển nhanh. Chỉ số, giá trị giao dịch và số lượng nhà đầu tư mới liên tục gia tăng. Tuy nhiên, cùng với đó cũng xuất hiện nhiều hành vi tiêu cực, thiếu minh bạch gây ra không ít sóng gió, ảnh hưởng đến thị trường. Từ cuối tháng 3/2022 tới nay, TTCK chứng kiến nhiều phiên giảm điểm liên tục, điển hình tại phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm 68,31 điểm (-4,95%) còn 1.310,92 điểm trước áp lực bán mạnh của khối nội.

Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chất lượng của hoạt động công bố thông tin trên TTCK thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, gây thiệt hại đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng các công ty đại chúng không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin theo quy định khiến các nhà đầu tư không có thông tin, thậm chí là tiếp nhận thông tin sai sự thật, từ đó mất phương hướng trong đầu tư.

Các nhà đầu tư vừa và nhỏ là lực lượng đông đảo, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng TTCK, nhưng thường xuyên phải chịu tình trạng bất cân xứng thông tin. So với các cổ đông nội bộ, người có liên quan, luật sư, kiểm toán viên và các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, nhóm nhà đầu tư cá nhân thường không nắm bắt kịp thời hoặc hoàn toàn không biết tới các thông tin trọng yếu, có ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu của công ty như các vụ mua bán, sáp nhập, thay đổi lãnh đạo DN hoặc dự báo sớm kết quả kinh doanh, các dự án lớn sắp triển khai... Do thiếu hụt thông tin, cộng thêm năng lực đầu tư hạn chế nên vấn nạn đầu tư theo kiểu tin đồn vẫn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh và ổn định của TTCK. 

Tạo niềm tin cho thị trường và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát

Nhà nước cần tác động vào thị TTCK thông qua con đường thiết lập cơ chế thực hiện việc công bố thông tin một khách khoa học, hiệu quả, coi đây là trọng tâm trong công tác quản lý thị trường vốn. Cơ chế này cần đảm bảo việc công bố thông tin của doanh nghiệp (DN) đáp ứng được yêu cầu: Đầy đủ, chính xác, kịp thời, liên tục, phù hợp với chuẩn mực kế toán và công bằng giữa các đối tượng tiếp nhận thông tin. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước về TTCK cần làm tốt những việc sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về công bố thông tin. Các quy định về công bố thông tin cần rõ ràng, cụ thể, các kẽ hở pháp lý cần được lấp đầy. Việc này sẽ góp phần nâng cao uy tín quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật. Từ đó, phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm  trên thị trường, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán…

Thứ ba, gắn chặt hơn trách nhiệm của các công ty kiểm toán với kết quả kiểm toán. Chất lượng công bố thông tin phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Khi các sai phạm được phát hiện chính xác, kịp thời bởi hoạt động kiểm toán sẽ là những thông tin quan trọng, hữu ích với các nhà đầu tư. Việc các công ty kiểm toán không làm hết trách nhiệm, thậm chí cấu kết với các doanh nghiệp khiến các thông tin sai lệch được bỏ qua, không thông báo cho công chúng nhà đầu tư. Do vậy, cần có các quy định cụ thể về mức xử lý khi các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên không làm đúng trách nhiệm của mình./.

Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra