Ngân hàng VIB: Nợ xấu thuộc Top cao nhất thị trường, 66,1% tài sản đảm bảo là bất động sản

Thứ ba, 06/02/2024 14:40
(ThanhtraVietNam) - Nợ xấu tại VIB tăng mạnh, vượt mốc 3% và lọt vào Top cao nhất toàn ngành. Cùng với đó, VIB không hoàn thành phần lớn các mục tiêu đã được ĐHĐCĐ thông qua trước đó.

Nợ xấu thuộc Top cao nhất thị trường, 66,1% tài sản đảm bảo là bất động sản

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với nhiều điểm đáng lưu ý. Trong đó, nổi bật nhất là nợ xấu tại VIB tăng mạnh, vượt mốc 3% và lọt vào Top cao nhất toàn ngành.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Nợ xấu tại VIB lên đến 8.374 tỷ đồng, chiếm 3,14% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 47,2% về giá trị tuyệt đối và tăng 28,2% về tỷ lệ.

leftcenterrightdel
Nợ xấu tại ngân hàng VIB thuộc top cao nhất thị trường. Ảnh minh hoạ: ST 

Như vậy, về tỷ lệ nợ xấu, VIB đã vượt qua mức “trần” 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định đồng thời lọt vào Top các ngân hàng có nợ xấu năm 2023 cao nhất toàn ngành.

Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu của VIB đang có xu hướng tăng rất mạnh trong giai đoạn 5 năm gần đây. Trước đó, con số này lần lượt là 2,45% (năm 2022), 2,32% (năm 2021), 1,74% (năm 2020) và 1,96% (năm 2019).

Liên quan đến nợ xấu là tài sản đảm bảo. Tại ngày 31/12/2023, phần lớn tài sản đảm bảo tại VIB đều là bất động sản.

Cụ thể, hồi cuối năm 2023, Tài sản, giấy tờ có giá thế chấp cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu tại VIB có là 567.666 tỷ đồng. Trong đó, tài sản đảm bảo của khách hàng là bất động sản có giá trị cao nhất, lên tới 375.298 tỷ đồng, chiếm 66,1% tổng giá trị đảm bảo.

Với việc nợ xấu liên tục tăng mạnh, VIB phải dành ngân sách lớn cho dự phòng. Trong quý 4/2023, Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VIB lên đến 1.693 tỷ đồng, tăng 1.340 tỷ đồng, tương đương 380% so với quý 4/2022; lũy kế cả năm tăng 3.567 tỷ đồng, tương đương 279% lên 4.847 tỷ đồng.

Dành ngân sách rất lớn cho dự phòng nhưng VIB vẫn ghi nhận Lợi nhuận sau thuế năm 2023 tăng trưởng dương khi đạt 8.562 tỷ đồng, tăng 93 tỷ đồng, tương đương 1,1% so với năm 2022.

Có được kết quả này là do các chỉ tiêu kinh doanh của VIB đều tăng trưởng dương. Thu nhập lãi thuần tăng từ 14.963 tỷ đồng lên 17.361 tỷ đồng, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 3.188 tỷ đồng lên 3.327 tỷ đồng, Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 548 tỷ đồng dù năm trước lỗ 275 tỷ đồng,….

Không hoàn thành đa số các mục tiêu, vẫn tăng lương

Như đã nêu trên, các chỉ tiêu lợi nhuận của VIB đều tăng trưởng dương. Thế nhưng, nhà băng này không hoàn thành nhiều chỉ tiêu được ĐHĐCĐ thông qua trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra trong tháng 3/2023.

Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VIB thông qua một số chỉ tiêu như sau: Lợi nhuận trước thuế đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3%; tổng tài sản đạt 428.500 tỷ đồng, tăng 25%; dư nợ tín dụng đạt 292.500 tỷ đồng, tăng 25%; huy động vốn đạt 292.600 tỷ đồng, tăng 26,2%.

Tuy nhiên, trên thực tế, VIB chỉ đạt 10.703 tỷ đồng Lợi nhuận trước thuế, bằng 87,7% kế hoạch; đạt 409.881 tỷ đổng Tổng tài sản, bằng 95,7% kế hoạch; đạt 266.346 tỷ đồng dư nợ tín dụng, bằng 91,1% dư nợ tín dụng; đạt 236.577 tỷ đồng Tiền gửi của khách hàng, bằng 80,9% kế hoạch;….

Dù rất nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch nhưng VIB vẫn mạnh tay tăng lương cho người lao động và dàn lãnh đạo cấp cao.

Cụ thể, trong năm 2023, VIB mạnh tay tuyển dụng. Theo đó, tại ngày 31/12/2023, VIB có 12.253 người, tăng 2.031 người, tương đương 19,9% so với cuối năm 2022. Đây là đà tăng rất lớn về quy mô nhân sự.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyển dụng, VIB dành 4.350 tỷ đồng chi cho nhân viên, tăng 268 tỷ đồng, tương đương 6,6% so với năm 2022. Bình quân, số tiền thực chi cho mỗi người lao động là 355 triệu đồng/người/năm, tương đương 29,6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, theo dữ liệu do VIB công bố, thu nhập của người lao động cao hơn con số này khá nhiều. Trong năm 2023, mỗi nhân sự VIB được trả 31,75 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với con số 29,78 triệu đồng/người/tháng của năm 2022.

Trong khi đó, Thù lao của Hội đồng quản trị tăng từ 5,5 tỷ đồng lên 13,2 tỷ đồng (bình quân tương đương 220 triệu đồng/người/tháng); Thù lao của Ban Kiểm soát tăng từ 3,3 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng (bình quân 2,8 tỷ đồng/người/năm, tương đương 233 triệu đồng/người/tháng).

Ban Điều hành là dàn lãnh đạo cấp cao duy nhất bị giảm lương. Theo đó, Lương thưởng của Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng giảm từ 33,9 tỷ đồng xuống 27,5 tỷ đồng (trung bình 5,5 tỷ đồng/người/năm, tương đương 458 triệu đồng/người/tháng).

Tăng cường thanh tra, giám sát an toàn vĩ mô và vi mô

Ngoài việc nhận thấy rằng một số ngân hàng đã đạt được chất lượng tài sản xuất sắc và tỷ lệ nợ xấu thấp, chúng ta cũng cần phải nhận thức đến tình hình đáng lo ngại khi một số ngân hàng đang phải đối mặt với sự gia tăng đột ngột của tỷ lệ nợ xấu. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời từ các cơ quan quản lý, bởi vì trong tình hình kinh tế toàn cầu không ổn định, ngân hàng có thể đối diện với rủi ro lớn.

Để giảm nguy cơ mất quyền đòi nợ và đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính, ngân hàng cần thực hiện việc xem xét kỹ lưỡng về các khoản vay đang có trong danh mục của họ. Điều này bao gồm việc phân loại các ngành nghề và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như duy trì sự theo dõi định kỳ về việc trả nợ của khách hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời và tránh tình trạng tiến triển xấu thêm.

Đồng thời, để ngăn ngừa nguy cơ nợ xấu phát sinh, ngành ngân hàng cần tăng cường thanh tra, giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng. Ngân hàng nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng./.

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra