Nợ xấu tăng, kinh doanh đi lùi, khối ngoại tháo chạy: Điều gì đang xảy ra với VIB?

Thứ năm, 03/10/2024 09:30
(ThanhtraVietNam) - Trong khi các nhà băng khác trong hệ thống liên tục báo lãi tăng, các chỉ số cải thiện, VIB lại ghi nhận nợ xấu tăng cao lên mức đỉnh cuối quý III năm trước, cùng hoạt động có phần suy yếu.

Gelex dưới thời CEO Nguyễn Văn Tuấn: Từ thương vụ thâu tóm nghìn tỷ, cấu trúc holdings, đến ván cược tại Eximbank

Phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số

Xử lý VNG kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng sai phép

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp niêm yết sụt giảm mạnh sau soát xét

Hàng loạt "ông lớn" bất động sản chi nghìn tỷ nắm cổ phần chi phối tại các ngân hàng

Dòng tiền kinh doanh âm, GELEX vẫn dốc túi để trở thành cổ đông lớn của ngân hàng có nhiều năm tranh chấp "giới chủ" cùng 4000 tỷ đồng nợ xấu

Báo cáo tài chính quý II của VIB tiếp tục cho thấy nhiều vấn đề về hoạt động, khi các mảng kinh doanh chính có phần thu hẹp, còn chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.

Thu nhập hoạt động (TOI) trong quý II của VIB chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 5% so với quý trước. Diễn biến này chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm hơn 10%, dù thu nhập ngoài lãi tăng 13,7%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, TOI của VIB đạt hơn 10.300 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn vào các cấu phần, "nồi cơm" chính thu nhập lãi thuần của VIB giảm mạnh, "gồng gánh" hoạt động cho ngân hàng này đến từ các khoản thu nhập ngoài lãi. Tuy nhiên, các khoản này đa phần từ hoạt động không thường xuyên, như xử lý nợ (tăng 145,4% so với cùng kỳ) và hoạt động kinh doanh ngoại hối (lãi 315 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng).

Đáng chú ý, biên lãi thuần (NIM) của nhà băng này giảm mạnh 110 điểm cơ bản, theo MBS, cũng là nguyên nhân chính khiến thu nhập lãi thuần suy giảm mạnh. Tăng trưởng tín dụng của VIB đến hết quý II cũng chỉ đạt 4,6%, thấp hơn so với mức trung bình các ngân hàng niêm yết đạt 7,6% so với đầu năm.

leftcenterrightdel
 Nợ xấu tại ngân hàng VIB thuộc top cao nhất thị trường. Ảnh minh hoạ: ST 

Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), sự suy giảm nhu cầu tín dụng từ nhóm khách hàng cá nhân diễn ra ở toàn ngành khiến hoạt động cho vay bán lẻ của hầu hết các ngân hàng thấp hơn so với nhóm doanh nghiệp. Động lực tăng trưởng tín dụng của VIB đến từ hoạt động cho vay mua xe và cho vay thẻ trong khi hoạt động cho vay mua nhà vẫn chậm.

Hoạt động kinh doanh thu hẹp nhưng chi phí trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm nay của VIB đạt 2.075 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động của nhà băng này cũng tăng cao, ở mức 3.596 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2023 và tăng 16% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) cũng tăng 520 điểm cơ bản lên mức 35,5%.

Những thay đổi này khiến lãi ròng 6 tháng của VIB giảm hơn 18%, nằm trong nhóm hiếm hoi những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Mức lãi ròng trên cũng chỉ tương đương hơn 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.

Nợ xấu tăng vọt

Một điểm đặc biệt trên báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của VIB là chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.

Trên báo cáo tài chính, VIB cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,4%, nhưng con số này được tính theo quy mô nợ xấu trên toàn bộ tài sản có rủi ro tín dụng, tức gồm cả chứng khoán đầu tư, tiền gửi và cho vay các TCTD khác.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét quy mô nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này lên tới 3,7%. Theo đánh giá của MBS, chất lượng tài sản của VIB có dấu hiệu suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại thời điểm cuối Q2/2024 tương đương với mức đỉnh của Q3/2023.

Thực tế, quy mô nợ xấu của nhà băng này ở thời điểm cuối quý II tiếp tục tăng 5,9% so với quý I/2024 và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023, lên hơn 10.200 tỷ đồng.

Dù VIB đã tích cực xóa hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu trong quý II/2024, tỷ lệ nợ xấu vẫn không giảm. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ Nhóm 5) đã tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 18% so với cuối quý I/2024 lên hơn 4.200 tỷ đồng.

Khối ngoại tháo chạy, công ty chứng khoán hạ định giá

Trên thị trường chứng khoán, VIB thường được xếp vào nhóm nhà băng tầm trung, không quá được chú ý với nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuối tháng 9, cổ phiếu này trở thành tâm điểm khi ghi nhận phiên bán ròng gần 5% vốn điều lệ của khối ngoại.

Phiên 24/9, tâm điểm bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào cổ phiếu VIB. Mã này bị bán ròng tổng cộng hơn 148 triệu đơn vị, giá trị bán ròng ở mức 2.664 tỷ đồng. Giao dịch này được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận.

Với hơn 2,97 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành, số cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng thời điểm đó chiếm tới 4,97% vốn cổ phần VIB. Giao dịch mua vào đối ứng được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước.

Trước đó, trong báo cáo phân tích giữa tháng 8, Công ty chứng khoán MB (MBS) đã giảm giá mục tiêu 12 tháng đối với VIB xuống còn 20.800 đồng (giảm 3,3% so với mức giá dự báo gần nhất) do kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay kém khả quan so với dự báo khiến chuyên gia phân tích của MBS giảm dự báo gần 10% dự báo lợi nhuận.

Đồng thời, chuyên gia từ MBS cũng giảm mức định giá P/B mục tiêu của VIB xuống còn 1,1 lần, áp dụng cho giá trị sổ sách trung bình 2024-2025 do tỷ lệ nợ xấu (NPL) vẫn chưa có dấu hiệu tạo đỉnh.

Tuấn Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra