Thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bám sát Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 cùng Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022 và chỉ đạo, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng (gồm Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN và Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố) đã tích cực triển khai công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh tra, giám sát và xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
6 tháng đầu năm 2022, các đoàn thanh tra hành chính ngành Ngân hàng đã thực hiện 10 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 56 cuộc thanh tra đột xuất tại 67 đơn vị; ban hành 65 kết luận thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, cơ bản các đơn vị đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và nội quy, quy chế làm việc của NHNN; không đơn vị nào bị xử lý về kinh tế, trách nhiệm.
Báo cáo của NHNN gửi Thanh tra Chính phủ khẳng định: “…không phát sinh các vụ việc phức tạp, gây rủi ro an toàn hệ thống. Các vi phạm, tồn tại được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra đã được các đối tượng thanh tra, kiểm tra nghiêm túc khắc phục, kịp thời xử lý…”
|
NHNN cho biết, cũng trong thời gian này, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 637 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (535 cuộc theo kế hoạch và 102 cuộc đột xuất).
Nội dung, lĩnh vực thanh tra tập trung vào thanh tra hoạt động cấp tín dụng (gồm cho vay, bảo lãnh, L/C, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức kinh tế trong nước phát hành); việc cho vay VND cầm cố thẻ tiết kiệm bằng ngoại tệ; phân loại nợ, trích lập dự phòng và dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; việc triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ; việc chấp hành giới hạn, hạn chế cấp tín dụng và thanh tra hoạt động huy động vốn, chấp hành pháp luật về lãi suất huy động.
Đồng thời, thanh tra việc chấp hành pháp luật phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, còn thanh tra việc phân phối lợi nhuận; công tác an toàn kho quỹ; tình hình tổ chức, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ…
|
|
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng. Ảnh minh họa: NT |
Vi phạm trong đầu tư, kinh doanh chứng khoán
Triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 680 tổ chức, cá nhân, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã phát hiện 348 tổ chức, 3 cá nhân vi phạm quy định pháp luật, quy định của Ngành, quy định nội bộ… trong quá trình hoạt động kinh doanh và tác nghiệp.
Nhiều dạng vi phạm khác nhau đã được chỉ ra tại các kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra.
Đó là, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành chưa nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo các quy định của pháp luật, quy định nội bộ.
Trong hoạt động tín dụng xuất hiện vi phạm điều kiện vay vốn, vi phạm thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay, vi phạm về giải ngân tiền vay, thời hạn vay vốn, bảo đảm tiền vay, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Một số đơn vị phân loại nhóm nợ không đúng quy định, trích lập dự phòng rủi ro thiếu, thực hiện phân loại nợ chưa phù hợp dẫn đến sai lệch nhóm nợ, đặc biệt là các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng không chính xác; cơ cấu nợ cho khách hàng không đúng quy định; hạch toán lãi phải thu sai Chuẩn mực kế toán 01, Thông tư 16/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và Điều 6 Luật Kế toán.
Giai đoạn này Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Tiên phong (TPBank), Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB)…
|
Đáng chú ý, khi đầu tư, kinh doanh chứng khoán, TCTD đã vi phạm về theo dõi, giám sát sử dụng tiền thu được từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức phát hành.
Khi huy động vốn, đã ban hành văn bản về huy động, áp dụng lãi suất huy động không đúng quy định của NHNN; tính trả lãi cho khách hàng chưa phù hợp với quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tiền gửi; nhận tiền gửi với kỳ hạn không có trong quy định nội bộ; áp dụng lãi suất khách hàng rút tiền gửi trước hạn vượt mức tối đa NHNN đã quy định.
Việc xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu còn chưa phù hợp với thực tế; chưa thực hiện đúng kế hoạch xử lý nợ xấu theo phương thức đã được phê duyệt; xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn chậm.
Về công tác phòng, chống rửa tiền, TCTD báo cáo các giao dịch giá trị lớn, đáng ngờ chưa đúng quy định; thực hiện phong tỏa tài khoản không đúng Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Phòng, chống rửa tiền; thông tin nhận biết khách hàng trên giấy mở đăng ký tài khoản chưa đầy đủ; chưa kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định…