Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nội dung triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong ngành chứng khoán.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, mục tiêu tổng quát là “đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại”.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo - Triển lãm Vietnam Digital Finance (VDF) năm 2024 gồm các phiên có chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số”, "Phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số" và "Hiện đại hóa hạ tầng dữ liệu ngành tài chính, xu hướng và các giải pháp công nghệ".
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, chuyển đổi số đã xuất hiện ở mọi mặt trong đời sống, kinh tế, xã hội và là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới. Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào 3 vấn đề chính là thể chế, công nghệ và con người, trong đó thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.
Thời gian qua, ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán...giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, xác lập nền tài chính số là một trong những trụ cột của Chính phủ số, xã hội số.
Việc Bộ Tài chính có những hoạt động mạnh mẽ hướng tới nền tài chính số, trong đó có những kết quả về các lĩnh vực thuế, kho bạc, chứng khoán bao gồm đối soát thông tin nhà đầu tư cá nhân là những kết quả quan trọng, thành công bước đầu của quốc gia trong kiến tạo nền tài chính số.
Tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả", Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu chia sẻ, chuyển đổi số là yếu tố then chốt trong việc phát triển thị trường chứng khoán, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
|
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu tại hội thảo chuyên đề. Ảnh: MOF |
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là trong việc đảm bảo an ninh mạng và tính ổn định của thị trường.
Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn trong bối cảnh chuyển đổi số, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cho lĩnh vực chứng khoán và chú trọng việc nâng cấp, hiện đại hóa, tích hợp các hệ thống ứng dụng công nghệ số.
Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng và phát triển để hình thành một hệ thống ứng dụng đồng bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng của thị trường chứng khoán mang tính tích hợp cao; củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng Internet và xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin./.