Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán đã có sự phát triển vượt bậc. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến 31/12/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 9,3 triệu tỷ đồng, tương đương 149,84% GDP với 2.192 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch. Đây là con số ấn tượng so với con số vỏn vẹn 2 mã chứng khoán đăng ký giao dịch những ngày đầu thị trường chứng khoán ra đời. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới hơn 4,2 triệu tài khoản, trong đó, số tài khoản nhà đầu tư mở mới trong năm 2021 hơn 1,5 triệu tài khoản, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại. Thanh khoản thị trường luôn đạt ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội với tổng mức huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2021 tăng 25% so với năm 2020.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu với thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đến năm 2030, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
|
|
Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả. Ảnh minh hoạ |
Các giải pháp cần thực hiện
Để phát triển thị trường theo đúng định hướng và đạt mục tiêu đề ra, Quyết định 368/QĐ-TTg cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp cần phải thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thị trường chứng khoán phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và quốc tế. Hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.
Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năng lực cạnh tranh của các tổ chức trung gian tham gia thị trường chứng khoán để đảm bảo thị trường vận hành an toàn, minh bạch, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.
Thứ hai, tăng cung hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung cho thị trường.
Đối với thị trường cổ phiếu, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; áp dụng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế để nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết, đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa. Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với thị trường trái phiếu, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của thị trường. Phát triển thị trường trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công. Tập trung phát triển thị trường thứ cấp để tăng tính thanh khoản, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển cơ sở nhà đầu tư; tăng cường sự liên thông giữa thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường tiền tệ để nâng cao tính thanh khoản của thị trường.
Tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao gồm cả phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ gắn với tăng cường công bố thông tin; tổ chức hoạt động và cung cấp dịch vụ giao dịch trái phiếu doanh nghiệp qua Sở giao dịch chứng khoán đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường. Thúc đẩy hoạt động của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế tham gia cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam.
Phát triển đa dạng các sản phẩm chứng khoán phái sinh bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn trên các tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán, cổ phiếu đơn lẻ và trái phiếu chính phủ. Xây dựng các chỉ số thị trường mới làm tài sản cơ sở cho chứng khoán phái sinh.
Thứ ba, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.
Mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và triển khai các loại hình quỹ đầu tư, nhà đầu tư có tổ chức dài hạn trên thị trường. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ tư, hoàn thiện tổ chức thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin.
Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hệ thống giám sát, giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, đảm bảo hoạt động thị trường thông suốt, an toàn và ổn định.
Có thể nói, phát triển thị trường chứng khoán là một mục tiêu riêng nhưng cần phải đồng bộ, thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo liên kết giữa thị trường tài chính với thị trường tiền tệ.
Đồng thời, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về chuyển đổi số nền kinh tế. Quản lý, giám sát thị trường trên cơ sở rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, đảm bảo minh bạch, an toàn và bền vững. Chủ động hội nhập với thị trường chứng khoán thế giới và phấn đấu trở thành một trong bốn thị trường chứng khoán lớn của khu vực ASEAN.