Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để phát triển thị trường chứng khoán

Thứ năm, 11/01/2024 17:21
(ThanhtraVietNam) - Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, giám sát, hạn chế rủi ro, đảm bảo trật tự, an toàn, minh bạch thị trường và tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu nêu ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; duy trì tăng trưởng về quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng; phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam so với TTCK các nước phát triển.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chiến lược đã nêu các giải pháp thực hiện gồm:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý, trong đó bao gồm nội dung hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, giám sát và hạn chế rủi ro trên thị trường, tăng cường tính răn đe, đảm bảo trật tự, an toàn và minh bạch thị trường.

Hai là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ba là, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung bằng việc đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa.

Bốn là, phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thông tin trên TTCK.

Sáu là, phát triển, tăng cường năng lực hệ thống các tổ chức trung gian thị trường và phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về chứng khoán.

Bảy là, phát triển các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ.

Tám là, tăng cường sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Chín là, tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế.

Mười là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu và thông tin tuyên truyền.

leftcenterrightdel
Phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế 

Để nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, Chiến lược cũng đề cập đến việc cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích theo phương án phát hành được cấp phép theo quy định pháp luật; kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các doanh nghiệp huy động vốn trên TTCK; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về niêm yết/đăng ký giao dịch.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ công bố thông tin báo cáo tài chính; kiểm tra, giám sát việc cung cấp dịch vụ kiểm toán của các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán - kiểm toán; xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng.

Về giải pháp tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Chiến lược xác định rõ những công việc sau:

Thứ nhất, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan giám sát, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán, đảm bảo đủ năng lực thực thi pháp luật.

Thứ hai, xây dựng hệ thống giám sát kết nối giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường.

Thứ ba, áp dụng phương thức giám sát dựa trên rủi ro, xây dựng hệ thống các chỉ số cảnh báo sớm, đảm bảo giám sát hiệu quả, toàn diện, hiện đại, tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Thứ tư, tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới TTCK, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của TTCK. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Thứ năm, tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo TTCK vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu, dự báo và giám sát TTCK.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi các quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ bảy, tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ tốt công tác quản lý và giám sát thị trường.

Trần Thị Tố Loan
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra