Thao túng thị trường chứng khoán: Người phạt hành chính, kẻ xử lý hình sự

Chủ nhật, 01/09/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng chỉ xử phạt hành chính các cá nhân sử dụng nhiều tài khoản để thao túng giá cổ phiếu APG, BNA, GKM, PSH... do không xác định được khoản thu trái pháp luật. Tuy nhiên, Công an Hà Nội đã khởi tố 7 bị can có hành vi câu kết, lôi kéo nhiều người mua bán cổ phiếu CMS, gây ảnh hưởng đến cung cầu, giá chứng khoán. Cùng Tạp chí Thanh tra điểm lại một số vụ việc.

Tính khoản thu trái pháp luật do vi phạm về chứng khoán từ ngày 5/2/2024

Vì sao 2 cá nhân thao túng giá cổ phiếu APG, BNA không bị xem xét xử lý hình sự?

Cảnh giác với lời mời cài app, vào nhóm đầu tư chứng khoán

Tăng cường thanh tra để minh bạch thị trường chứng khoán

Dấu hiệu nhận biết hành vi thao túng

Thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm:

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Trần Văn Dương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt mức 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Tuy nhiên, Điều 211 của Bộ Luật Hình sự cũng nêu rõ, người nào thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính từ 0,5 đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 0,5 đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, có thể bị phạt tiền từ 2 đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

Một là, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

Hai là, thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Ba là, liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

Bốn là, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

Năm là, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

Sáu là, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Sử dụng 46 tài khoản để thao túng, bị phạt 1,5 tỷ đồng

Tháng 6/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Lê Thị Hải Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội) số tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 22/08/2018 đến ngày 15/06/2021, bà Lê Thị Hải Bình đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu này.

Phát hiện bà Nguyễn Thị Thơm (Đống Đa, Hà Nội) thao túng giá cổ phiếu BNA của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Bảo Ngọc, tháng 10/2023, UBCK xử phạt bà này số tiền 1,5 tỷ đồng.

Tháng 12/2023, ông Nguyễn Việt Hà (Ba Đình, Hà Nội) cũng bị UBCK xử phạt 1,5 tỷ đồng do có hành vi thao túng khi sử dụng 23 tài khoản liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty cổ phần Khang Minh Group (mã GKM) nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.

Gần đây, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, tháng 5/2024, UBCK quyết định xử phạt ông Mai Hữu Phúc (Quận 10, TP Hồ Chí Minh), bà Võ Như Thảo (Châu Thành, Hậu Giang), bà Đỗ Thủy Tiên (Vĩnh Thạch, Cần Thơ), ông Trần Minh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) mỗi người 1,5 tỷ đồng do sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH)  giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PSH.

Theo UBCK, kết quả kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của những cá nhân nêu trên đều cho thấy không có khoản thu trái pháp luật.

leftcenterrightdel
 Một đối tượng bị cáo buộc phạm tội thao túng thị trường chứng khoán được đưa tới Tòa án. Ảnh: ITN

Bắt giam, xử tù nhiều đối tượng có hành vi thao túng

Thời gian qua, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Điển hình như, vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam…

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng về hành vi thao túng thị trường chứng khoán mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam.

Theo đó, từ tháng 5 đến 10/2023, nhóm đối tượng do Trần Bình Minh (sinh 1982, Hà Nội) cầm đầu đã câu kết, lôi kéo nhiều người đặt lệnh mua bán chứng khoán với mã cổ phiếu CMS, gây ảnh hưởng đến cung cầu và giá chứng khoán.

Trần Bình Minh thực hiện mua gom mã cổ phiếu CMS với giá thấp để đẩy giá mã cổ phiếu này tăng rồi bán ra kiếm lời.

Để thực hiện ý đồ thao túng, Minh cùng 6 đối tượng lập, sử dụng các hội nhóm trên ứng dụng mạng xã hội Zalo, Telegram đưa ra ý kiến về giao dịch nhiều mã cổ phiếu, trong đó có CMS nhằm định hướng quyết định mua, bán của các nhà đầu tư đối với mã cổ phiếu mà nhóm đối tượng nắm giữ, gây ảnh hưởng đến diễn biến giá của mã CMS.

Có những ngày, các nhóm này đưa ra trước giá của cổ phiếu CMS phản ánh đúng diễn biến giá giao dịch thật trên thị trường trong phiên hoặc giá ngày hôm sau.

Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh vào tháng 9/2023, Trần Bình Minh và các đối tượng liên quan đã bán ra lượng lớn cổ phiếu CMS để thu lời bất chính, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại do giao dịch cổ phiếu CMS bị thao túng giá trong giai đoạn trên, làm giảm tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Kết quả xác minh, tra soát tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng bước đầu xác định, trong giai đoạn từ 4/5 đến 31/10/2023, các đối tượng đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã CMS, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng.

Công an TP Hà Nội cho biết, một số đối tượng lợi dụng việc lập, sử dụng hội nhóm trên không gian mạng để kêu gọi, hô hào đầu tư mua một nhóm mã cổ phiếu nhằm mục đích để thao túng giá cổ phiếu, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư chân chính.

“Cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin về các mã cổ phiếu, tình hình hoạt động, tài chính của doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn đầu tư phù hợp, tránh để đối tượng phạm tội lợi dụng, câu kéo gây thiệt hại lớn về kinh tế”, khuyến cáo của Công an TP Hà Nội với nhà đầu tư./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra