Theo đó, tính đến ngày 27/12/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Nhằm đảm bảo phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu nâng hạng trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Đây là bước tiến quan trọng trong công tác hội nhập, tạo đà thực hiện mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên” lên “mới nổi”.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng; có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch.
Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Tổng tài sản năm 2024 ước đạt khoảng 1.007 nghìn tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 850 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%.
Năm 2024 cũng ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét của ngành Tài chính với chuỗi Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản (tháng 3/2024), Úc và Singapore (tháng 8/2024).
Các hội nghị này trở thành cầu nối hiệu quả giúp quảng bá, truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Bộ Tài chính Việt Nam luôn đồng hành và tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội và hợp tác đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
|
|
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương khẳng định, sẽ duy trì sự ổn định, phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. (Ảnh: SSC) |
10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tài chính do Liên Chi hội nhà báo ngành này phối hợp với một số đơn vị lựa chọn, công bố gồm:
1. Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
2. Thu ngân sách nhà nước về đích sớm và vượt cao so với dự toán;
3. Ngành Tài chính quyết liệt chuyển đổi số và ứng dụng AI trong quản lý tài chính ngân sách;
4. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả;
5. Tạo đột phá về thể chế kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách;
6. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam năm 2024 được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực;
7. Quốc hội bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các nhân sự cấp cao của Bộ Tài chính;
8. Ngành Tài chính chủ động sẵn sàng cho tổng kiểm kê tài sản công;
9. Phát triển thị trường tài chính đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững, tăng cường hợp tác tài chính quốc tế;
10. Điều hành giá linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát.
|
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, để tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch, hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu trong hệ thống tài chính quốc gia và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần tiếp tục nỗ lực thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán, về thị trường và phòng tránh các rủi ro, hiện tượng lừa đảo, khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường bền vững. |