Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội: Trách nhiệm trong quản lý vốn và tài sản

Thứ ba, 25/03/2025 14:00
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện hàng loạt vi phạm trong quản lý vốn và tài sản tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP. Từ trích lập dự phòng sai quy định đến đầu tư vào công ty thua lỗ, các khoản nợ phải thu, phải trả quá hạn chưa được xử lý.

Thấy gì từ chấn động thao túng cổ phiếu PDR của Phát Đạt?

Bộ Xây dựng kiểm tra việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội tại nhiều địa phương

Kết luận thanh tra số 09/KL-TTr ngày 17/01/2025 của Thanh tra Bộ Tài chính cho thấy tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), dù doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đạt kế hoạch đặt ra, nhưng những vi phạm trong quản lý vốn và tài sản đang gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước.

Dự án đóng băng, nguy cơ thất thoát vốn nhà nước

Một trong những vấn đề nổi cộm được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra là tình trạng các đơn vị được thanh tra còn để phát sinh nợ quá hạn phải thu với số tiền lên tới 475,6 tỷ đồng, dẫn đến phải trích lập dự phòng 151,5 tỷ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp mà còn cho thấy những yếu kém trong công tác quản lý, thu hồi nợ.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Tổng công ty xây dựng Hà Nội. Ảnh: ITN

Bên cạnh những vấn đề về công nợ, kết luận thanh tra còn chỉ ra những tồn tại trong hoạt động đầu tư tài chính của Hancorp, đặc biệt là các khoản đầu tư dài hạn.

Tính đến 31/12/2023, Công ty Mẹ - Tổng công ty đầu tư góp vốn vào 37 doanh nghiệp với tổng số tiền lên tới 992,6 tỷ đồng. Trong đó, có 7 công ty con, 13 công ty liên doanh, liên kết và 17 công ty khác.

Tuy nhiên, hiệu quả của các khoản đầu tư này lại không tương xứng với số vốn đã bỏ ra. Theo báo cáo tài chính năm 2023, trong số 37 công ty nhận vốn góp của Công ty Mẹ - Tổng công ty, chỉ có 23 công ty có lãi, nhưng trong số này có 5 công ty lỗ lũy kế; 04/37 công ty không lập báo cáo tài chính năm 2023 do dừng hoạt động và 08/37 công ty kinh doanh thua lỗ, dẫn đến phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 36,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án Khu dân cư đô thị Tân Thành (Hải Phòng) do Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội đầu tư từ năm 2008 với số vốn 30,8 tỷ đồng đến thời điểm thanh tra (11/2024) vẫn chưa triển khai. Mặc dù đã trích lập dự phòng hơn 2 tỷ đồng từ năm 2017, dự án này vẫn đang "đóng băng".

Những con số trên cho thấy Hancorp đã đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp, nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Nhiều khoản đầu tư không những không sinh lời mà còn thua lỗ, “chôn vùi” một lượng vốn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Thanh tra phát hiện Công ty mẹ - Tổng công ty có 4 ô đất tại địa điểm giáp dân Bãi Nổ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội với diện tích 252m² nhưng chưa có giấy tờ giao đất và giấy phép xây dựng. Khu đất này thuộc quy hoạch bảo tồn khu di tích Cổ Loa nên không thể triển khai làm dự án.

Mặc dù Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tìm đối tác để chuyển nhượng 4 ô đất trên từ giai đoạn 2012-2014, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 11/2024), Tổng Công ty vẫn chưa tìm được đối tác để thu hồi vốn đầu tư.

Trách nhiệm quản lý?

Để xảy ra những vi phạm này, có thể nói, trách nhiêm trực tiếp thuộc về Hội đồng Quản trị và Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP, lãnh đạo các đơn vị được thanh tra qua các thời kỳ. Cụ thể:

Thiếu giám sát hiệu quả trong đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết, dẫn đến tình trạng nhiều công ty thua lỗ, phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư. Không có biện pháp hữu hiệu để đôn đốc thu hồi các khoản nợ phải thu quá hạn lên đến 475,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản.

Chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải thu, phải trả theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý tài chính. Không xử lý dứt điểm vấn đề pháp lý đối với 4 ô đất tại Cổ Loa, để kéo dài tình trạng không thể triển khai dự án hoặc chuyển nhượng để thu hồi vốn từ năm 2012 đến nay.

leftcenterrightdel
Ông Đậu Văn Diện, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP. Ảnh: hancorp.com.vn

Theo tìm hiểu, hiện nay, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP là ông Đậu Văn Diện (từ tháng 3/2021) và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đỗ Quý.

Kết luận thanh tra đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài chính tại Hancorp. Trách nhiệm đối với những tồn tại này thuộc về cả HĐQT, Ban TGĐ và các cá nhân liên quan. Việc xác định rõ trách nhiệm của từng cấp quản lý, cá nhân là cần thiết để có biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp, đồng thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra