Công ty chứng khoán có thể nhận lệnh giao dịch của khách hàng theo các hình thức sau: Nhận phiếu lệnh trực tiếp tại quầy giao dịch; Nhận lệnh từ xa qua điện thoại, fax, internet và các đường truyền khác. Gần đây, việc nhận lệnh chủ yếu là từ xa qua internet và vẫn phải tuân thủ các quy định nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng được hướng dẫn bởi Bộ Tài chính.
Quý 4/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng đối với 3 công ty chứng khoán KIS Việt Nam, VIX, BETA. Cụ thể:
Ngày 18/12/2023, UBCKNN ban hành Quyết định số 1190/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán BETA (số 55 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) với số tiền phạt là 125 triệu đồng do công ty này đã không ghi nhận lại đầy đủ thông tin tại thời điểm nhận lệnh, lưu giữ bằng chứng chứng minh việc đặt lệnh đối với giao dịch của khách hàng.
|
Theo Quyết định số 1163/QĐ-XPHC của UBCKNN, Công ty Chứng khoán VIX còn bị phạt 137,5 triệu đồng do vi phạm quy định về cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng (Công ty cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của một số tài khoản tại một số ngày giao dịch) và 40 triệu đồng do có hành vi vi phạm bố trí nhân viên kiêm nhiệm công việc trong trường hợp không được kiêm nhiệm (bố trí nhân sự kiểm toán nội bộ kiêm nhiệm các công việc khác trong Công ty).
|
Ngày 08/12/2023, UBCKNN ban hành Quyết định số 1163/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (số 52 Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) số tiền 137,5 triệu đồng do một số phiếu nhận lệnh trực tiếp tại quầy của VIX chưa có đầy đủ thông tin về thời gian đặt lệnh của khách hàng và thời gian nhận lệnh và cho một số khách hàng thực hiện lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền trên tài khoản.
Ngày 09/11/2023, UBCKNN đã ban hành Quyết định số 1026/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (Tòa nhà TNR, 180-192 Nguyễn Công Trứ, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) số tiền 137,5 triệu đồng do khi kiểm tra chọn mẫu trong giai đoạn từ ngày 13/8/2021 đến ngày 08/4/2022, UBCKNN phát hiện tại một số thời điểm, Công ty cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.
Trước đó, ngày 14/9/2023, UBCKNN ban hành Quyết định số 805/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE (Tòa nhà Pax Sky, 63-65 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) số tiền 125 triệu đồng cũng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng (tại ngày 18/01/2022, Công ty cho 04 tài khoản đặt lệnh mua thỏa thuận chứng khoán khi không có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán).
|
|
DNSE quảng bá sản phẩm giao dịch vay ký quỹ linh hoạt, nhiều gói vay với thời hạn và lãi suất khác nhau |
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hoàng Việt Hùng – Giám đốc Công ty Luật UpLaw cho biết, Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán đã nêu rõ, nếu nhận lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến, qua điện thoại, qua fax và các đường truyền khác, công ty chứng khoán phải tuân thủ: Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn; Xác thực khách hàng và đảm bảo có ghi nhận lại đầy đủ thông tin tại thời điểm nhận lệnh, lưu giữ bằng chứng chứng minh về việc đặt lệnh của khách hàng để có thể tra cứu được khi cần thiết; Đảm bảo nguyên tắc xác nhận với khách hàng trước khi nhập lệnh vào hệ thống giao dịch; Có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh đường truyền và biện pháp khắc phục thích hợp khi không nhập được lệnh của khách hàng vào hệ thống giao dịch do lỗi của công ty.
Công ty chứng khoán chỉ được thực hiện lệnh của khách hàng khi lệnh giao dịch có đầy đủ và chính xác các thông tin về khách hàng, ngày giao dịch, thời gian nhận lệnh, mã chứng khoán, phương thức, loại lệnh, số lượng và giá giao dịch. Lệnh giao dịch của khách hàng phải được công ty chứng khoán ghi nhận thời gian (ngày, giờ, phút) nhận lệnh tại thời điểm nhận lệnh.
Khi thực hiện thanh toán lệnh mua hoặc bán chứng khoán cho khách hàng phải đảm bảo đủ tiền, chứng khoán và phải có biện pháp cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán của khách hàng khi lệnh giao dịch được thực hiện.
Trường hợp khách hàng mở tài khoản lưu ký tại thành viên lưu ký không phải là thành viên giao dịch thì thành viên giao dịch và thành viên lưu ký phải ký hợp đồng thoả thuận trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc thành viên giao dịch chịu trách nhiệm thực hiện lệnh giao dịch, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm kiểm tra tỷ lệ ký quỹ tiền, chứng khoán của khách hàng và đảm bảo thanh toán cho khách hàng theo quy định pháp luật.
Điểm g khoản 3 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán nêu rõ, công ty chứng khoán bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng.
Bộ Tài chính đã có hướng dẫn khá cụ thể về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng, Chính phủ cũng ban hành hình thức, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, UBCKNN phải ban hành tới 04 quyết định xử phạt các công ty chứng khoán cùng với lỗi vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng cho thấy hành vi này đang ngày càng phổ biến, cần áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vi phạm. Bên cạnh đó, cũng rất cần các công ty chứng khoán nâng cao ý thức tuân thủ, cơ quan quản lý tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để hoạt động của các công ty chứng khoán được minh bạch, cũng như có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch, hiệu quả./.