Vì sao 2 cá nhân thao túng giá cổ phiếu APG, BNA không bị xem xét xử lý hình sự?

Thứ tư, 18/10/2023 08:53
(ThanhtraVietNam) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết luận 2 cá nhân ở Hà Nội có hành vi thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG), Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (mã: BNA) và phạt mỗi người 1,5 tỷ đồng. Điều gì khiến 2 trường hợp này không bị xem xét xử lý theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Tạo cung, cầu giả, thao túng giá cổ phiếu

Sử dụng tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán được quy định tại Điều 12 Luật Chứng khoán.

Theo Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hành vi như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường…

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Điển hình như, vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương, Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam…

Vừa qua, dựa trên kết quả giám sát, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cá nhân tại Hà Nội do có hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, bà Lê Thị Hải Bình (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 22/08/2018 đến 05/06/2021, đã sử dụng 46 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 45 tài khoản của 34 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty Cổ phần Chứng khoán APG nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu APG.

Còn bà Nguyễn Thị Thơm (quận Đống Đa, Hà Nội) được xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 12/10/2020 đến 06/10/2021, đã sử dụng 9 tài khoản bao gồm 1 tài khoản của mình và 8 tài khoản của 8 nhà đầu tư để liên tục mua, bán cổ phiếu Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu BNA.

Quyết định xử phạt được UBCKNN đưa ra đối với mỗi cá nhân nêu trên là 1,5 tỷ đồng và sau đó là các quyết định áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như: cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn 2 năm.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Fool/ Forbes 

Thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Hoàng Việt Hùng cho biết, theo Điều 211 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ cấu thành tội phạm khi người vi phạm quy định về quản lý thị trường chứng khoán nhằm mục đích thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Hình phạt có thể là số tiền rất lớn lên đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên / gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên / tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.

Theo Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, vi phạm thao túng thị trường chứng khoán sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt mức 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

Còn theo Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật Chứng khoán thì bị cấm thực hiện một hoặc một số hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn từ 2 năm đến tối đa 3 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn từ 2 năm đến tối đa 3 năm.

Quyết định do UBCKNN ban hành đã xác định, các giao dịch mua, bán cổ phiếu của bà Bình, bà Thơm là “hành vi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán”, tuy nhiên, kết quả kiểm tra, kết quả tính toán khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm của những cá nhân này lại không thấy có khoản thu trái pháp luật nên việc cơ quan quản lý căn cứ Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP để xử lý là có cơ sở.

Liên quan đến cổ phiếu BNA bị bà Thơm thao túng giá, tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc cũng bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do vi phạm quy định về giao dịch với người quản lý doanh nghiệp, người có liên quan của các đối tượng này và có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra