Mối quan hê giữa Việt Phát và Newland
Kết luận thanh tra số 2386/KL-TTCP ngày 19/11/2024 của Thanh tra Chính phủ cho biết, dự án phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị tại số 80 Hạ Lý, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng (dự án 80 Hạ Lý) được UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 101/QĐ-UBND ngày 10/01/2022.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà ở thương mại để bán với hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở thương mại, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế xã hội phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng. Tổng mức đầu tư là 249.739,583 triệu đồng; Quy mô dự án, diện tích đất là 18.003,87m2 theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất đã được UBND quận Hồng Bàng phê duyệt tại Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 29/10/2021.
Tổ chức trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newland (Công ty Newland) được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt kết quả trúng đấu giá tại Quyết định số 4070/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 với số tiền 335.013,988 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, công ty Newland thành lập ngày 18/10/2022, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, người đại diện là ông Phạm Khương Duy, địa chỉ tại số 11/lô 32 khu tái định cư Vinhomes, Phường Sở Dầu, Quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Như vậy chỉ sau hơn một tháng thành lập, công ty Newland đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư tại dự án 80 Ha Lý.
Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Việt Phát (Mã chứng khoán: VPG), Newland là công ty con duy nhất của VPG; trong đó VPG nắm tới 90% vốn điều lệ của công ty.
|
|
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT của VPG. Ảnh: viettimes.vn |
Nợ phải trả của VPG cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu
CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát được thành lập ngày 23/7/2008, trụ sở chính đặt tại: Số 123 BT 02-97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Bình (SN: 1973) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Văn Đức (SN:1985) giữ chức Tổng Giám đốc.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam,VPG được biết đến là nhà cung cấp đầu vào quan trọng bao gồm quặng sắt, than cốc luyện kim cho các nhà máy lớn như: Gang thép Hòa Phát Hải Dương, Thép Hòa Phát Dung Quất… Đặc biệt, doanh nghiệp này đã mở rộng thị trường nhập khẩu than cốc, quặng sang Nhật Bản, Thụy Sỹ, Singapore với một số đối tác như Daichu Corporation, Glencore International AG, Noble Resources International Pte. Ltd,... Mỗi năm, mảng kinh doanh than cốc mang về cho VPG hàng ngàn tỷ đồng doanh thu.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của VPG có nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, VPG ghi nhận 3.465 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Trừ đi thuế và các khoản chi phí khác, công ty báo lợi nhuận sau thuế giảm 47% so với kết quả cùng kỳ năm trước - đạt 12,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này có vẻ chưa tương xứng với doanh thu của VPG khi biên lãi ròng trong quý III của doanh nghiệp chỉ đạt mức 0,37% và biên lãi ròng 9 tháng năm 2024 đạt 0,16%.
Bên cạnh đó, tất cả các chi phí của VPG đều tăng, trong đó bao gồm: Chi phí tài chính đạt 90,2 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước; Chi phí bán hàng đạt 45,3 tỷ đồng, tăng 60,6%; Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 25%. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính đạt 51 tỷ đồng, tăng đến 295% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2024 của VPG, doanh thu thuần đạt 9.998 tỷ đồng, tuy nhiên, sau khi trừ giá vốn và các chi phí thì lợi nhuận của công ty lại giảm sâu hơn 85% xuống còn 16,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước 84 tỷ đồng).
Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 5.127 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 4.899,9 tỷ đồng (chiếm 95,5%) khiến áp lực về trả nợ ngắn hạn là rất lớn. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả/tổng tài sản của VPG đã chiếm tới 77%. Với vốn chủ sở hữu 1.509,6 tỷ đồng do vậy nợ phải trả hiện nay đang cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.
Về vay và nợ thuê tài chính, VPG đang có 2.705,7 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn, trong đó đang nợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – CN Hà Nội hơn 1.273,9 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – CN Lê Chân hơn 641,5 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng NN&PT NT (Agribank)– CN Bắc Hải Phòng hơn 428,5 tỷ đồng; Nợ của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng hơn 204 tỷ đồng… Ngoài ra, VPG đang có 230,5 tỷ đồng khoản vay dài hạn tại Ngân hàng NN&PT NN – Chi nhánh Bắc Hải phòng (195,4 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – CN Lê Chân (35 tỷ đồng).
Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính trong kỳ của VPG lần lượt âm 473,7 tỷ đồng; âm 16 tỷ đồng và âm 254,5 tỷ đồng. Do vậy, đã kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm nặng tới 744,3 tỷ đồng. Cuối kỳ, tiền và tương đương tiền của VPG giảm mạnh từ 1.532 tỷ đồng xuống còn 787 tỷ đồng./.