Xử lý VNG kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng sai phép

Thứ hai, 09/09/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Một đơn vị thành viên của Tập đoàn TTC là Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (mã chứng khoán VNG) bị Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng sai phép nhưng không thể buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do không thể xác định doanh thu, chi phí…

Hoạt động kinh doanh có điều kiện, được cấp phép

Theo Nghị định số 121/2021/NĐ-CP ngày 27/12/2021 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (Nghị định 121), “Trò chơi điện tử có thưởng” là các trò chơi may rủi được tổ chức trên máy trò chơi điện tử có thưởng mà người chơi bỏ tiền để tham gia và có thể trúng thưởng bằng tiền.

“Máy trò chơi điện tử có thưởng” là thiết bị điện tử chuyên dụng được phép kinh doanh để thực hiện các trò chơi có thưởng được cài đặt sẵn trong máy; quá trình chơi diễn ra hoàn toàn tự động giữa người chơi với máy.

“Máy giật xèng” là máy trò chơi điện tử có thưởng có từ 3 cuộn hình ảnh trở lên trên màn hình để xác định kết quả thắng cược hoặc trúng thưởng ngẫu nhiên dừng lại sau mỗi lần quay với tỷ lệ trả thưởng cố định.

“Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài” là hoạt động kinh doanh có điều kiện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh các trò chơi có thưởng trên máy trò chơi điện tử có thưởng.

Kinh doanh các máy trò chơi điện tử có thưởng và các thiết bị trò chơi có nội dung, hình ảnh văn hóa chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định cho phép phổ biến, lưu hành là một trong những hành vi bị cấm.

Không xác định được doanh thu, chi phí

Ngày 14/8/2024, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài đối với Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (mã chứng khoán là: VNG).

Theo giới thiệu của Tập đoàn TTC, cùng nỗ lực tăng tính minh bạch, tuân thủ, gia tăng giá trị vốn hóa thị trường, có 4 doanh nghiệp của TTC được niêm yết chính thức trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và VNG thuộc nhóm này cùng với các Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT), Điện Gia Lai (mã GEG), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã SCR).

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công đã có hành vi vi phạm kinh doanh không đúng chủng loại, loại hình máy trò chơi điện tử có thưởng được phép kinh doanh theo quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, VNG kinh doanh 12 máy giật xèng Weike không đúng chủng loại và các loại hình trò chơi điện tử có thưởng được phép kinh doanh tại các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cách đây hơn 17 năm, ngày 01/2/2007, Bộ Tài chính xác nhận Công ty đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng tại Khách sạn Golf Cần Thơ (nay là khách sạn TTC - Cần Thơ) cho 42 máy trò chơi điện tử có thưởng với chủng loại cụ thể gồm: 14 máy giật xèng loại Aristocrat, 26 máy giật xèng loại Weike và 02 máy Roulette loại Interblock queen.

leftcenterrightdel
 Khách sạn TTC Cần Thơ - Nơi VNG đặt máy trò chơi điện tử có thưởng. Ảnh: TTC Group

Ngày 22/8/2024, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quyết định phạt tiền, mức phạt 170 triệu đồng và buộc tiêu hủy hoặc tái xuất các máy vượt quá số lượng, không đúng chủng loại máy, loại hình trò chơi điện tử có thưởng.

Không có hình thức xử phạt bổ sung được đưa ra với lý do VNG “không làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài” và Bộ Tài chính không cấp Giấy chứng nhận này cho Công ty.

Giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về lý do lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt hơn 18 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2022, VNG cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 244% so với năm trước, khách nội địa vượt 5,8% và dự báo trước tình hình du lịch khởi sắc trở lại nên đã nhanh chóng tiếp cận khách hàng, ưu tiên “phân khúc khách hàng và mảng doanh thu mang lại hiệu quả cao” nhằm tối đa hóa biên độ lợi nhuận gộp tốt nhất.

Ngoài ra, quyết định xử phạt cũng không buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được nhờ thực hiện vi phạm hành chính với lý do được đưa ra là:

Thứ nhất, đặc thù của hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng là khách chơi phải đổi tiền mặt lấy đồng tiền quy ước tại quầy thu ngân và có thể được chơi tại tất cả các máy và sau cùng đổi tiền thừa, tiền trúng thưởng tại quầy thu ngân, do đó, không thể xác định được doanh thu, chi phí trả thưởng tại từng máy trò chơi điện tử có thưởng.

Thứ hai, trong thời kỳ kiểm tra, Công ty kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng lỗ  (năm 2022 lỗ 582 triệu đồng, năm 2023 lỗ 477 triệu đồng và quý I năm 2024 lỗ 140 triệu đồng), do vậy, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra không xác định được số lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh 12 máy trên.

Khó khăn trong xác định số lợi bất hợp pháp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, Luật sư Trần Văn Dương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định số 137/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng đã quy định về hành vi vi phạm quy định về số lượng, chủng loại, loại hình trò chơi điện tử có thưởng tại Điều 42 như sau:

1. Phạt tiền từ 160 đến 180 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng chủng loại máy, loại hình trò chơi có thưởng.

2. Phạt tiền từ 180 đến 200 triệu đồng đối với hành vi tổ chức kinh doanh vượt quá số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng được phép kinh doanh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng từ 6 đến 12 tháng.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc phải tiêu hủy hoặc tái xuất các máy trò chơi điện tử có thưởng vượt quá số lượng, không đúng chủng loại máy, loại hình trò chơi và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.

Như vậy, nếu Thanh tra Bộ Tài chính không xác định được hành vi tổ chức vượt quá số lượng máy thì chỉ có thể xử phạt một hành vi vi phạm theo khoản 1 Điều 42 (mức phạt trung bình là 170 triệu đồng nếu không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ).

Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp phải được xác định dựa trên kết quả tính toán khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí.

Trong trường hợp này, do gặp khó khăn trong bóc tách riêng doanh thu, chi phí của hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng nói chung, của từng máy nói riêng đã dẫn tới chưa đủ cơ sở để kết luận số lợi có được từ hành vi vi phạm.

Vừa qua, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ triệt phá thành công đường dây người nước ngoài tổ chức đưa người Việt Nam vào chơi trò chơi điện tử có thưởng trái phép tại điểm kinh doanh Khách sạn Pullman (Câu lạc bộ King Club) ở 40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội, thuộc Công ty Dịch vụ Đầu tư và Giải trí Việt Hải Đăng.

Theo cơ quan Công an, tụ điểm này không chỉ là nơi các đối tượng tổ chức đánh bạc và đánh bạc, mà còn phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: Cho vay nặng lãi, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”, rửa tiền, chuyển tiền trái phép qua biên giới…

Hoạt động kéo dài nhiều năm, số lượng người Việt Nam chơi đông, số tiền giao dịch bất hợp pháp lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng như tính công bằng, minh bạch của lĩnh vực này.


Minh Bạch

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra