Bài 2: Công khai toàn văn kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật

Thứ ba, 07/03/2023 08:39
(ThanhtraVietNam) - Kết luận thanh tra (KLTT) phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong KLTT thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Công khai toàn văn kết luận thanh tra trong thời hạn 10 ngày

Một trong những quy định của Luật Thanh tra năm 2022 được chờ đợi nhất chính là việc công khai KLTT, khi mà Luật Thanh tra trước đó chưa làm được và việc tiếp cận kết luận gặp không ít khó khăn, rào cản.

Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, người ký KLTT quyết định những nội dung trong KLTT không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký người ra KLTT có trách nhiệm thực hiện việc công khai KLTT.

KLTT được công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, người ra KLTT lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết KLTT tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Cụ thể: Việc đăng tải thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ít nhất 15 ngày liên tục.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và Cổng thông tin điện tử. Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử, Cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục. Hoặc niêm yết KLTT tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký KLTT, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp KLTT cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện KLTT.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: quochoi.vn

Quy định rõ ràng xử lý vi phạm trong kết luận thanh tra, hiệu lực, hiệu quả thanh tra được nâng lên

Các chuyên gia pháp luật đánh giá cao việc Dự thảo Nghị định quy định KLTT phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong KLTT thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai. Người ký KLTT quyết định những nội dung trong kết luận thanh tra không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Và cho rằng, quy định như vậy đã minh bạch hoạt động của Đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra gắn được trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra.

Liên quan đến công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, Dự thảo đã làm rõ mục đích theo dõi, đôn đốc nhằm giúp người ban hành KLTT biết tiến độ, kết quả thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Người ban hành KLTT có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.

Đặc biệt, sẽ xử lý hành vi vi phạm của người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi vi phạm trong việc thực hiện KLTT. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có có hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đối với công chức; khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc truy bị cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của Luật sư Trương Anh Tú, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, dự thảo Nghị định do Thanh tra Chính phủ xây dựng đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thanh tra, quy định của Luật Thanh tra và những văn bản pháp luật có liên quan như Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, với những quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Thanh tra, và các quy định cụ thể về biện pháp thi hành Luật sẽ bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các quy định Luật Thanh tra khi Luật đi vào cuộc sống.

Với những quy định này, sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành sẽ góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra cũng như trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện KLTT. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc thực hiện quyền của người tiến hành thanh tra nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra