Bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xử lý các vấn đề mới phát sinh

Thứ hai, 13/02/2023 10:13
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật...

Tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 9/2/2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 của Chính phủ đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết được Chính phủ trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với các cam kết quốc tế; bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với mục đích quốc phòng, an ninh, bảo vệ quyền con người, quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc không bảo đảm chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo thẩm quyền hoặc được giao chủ trì soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, đề nghị xây dựng luật cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan khác; lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tăng cường truyền thông, tạo đồng thuận, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Qua báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, qua phản ánh thì tiến độ triển khai lấy ý kiến Nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.

Để bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân trong việc xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), ngày 11/2/2023, Chính phủ ban hành Công điện số 32/CĐ-TTg về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp Nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Sửa đổi Luật Đất đai góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Ảnh: T.A

Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm, tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến Nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương; tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến Nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảm đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.

Trước đó, tại Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 9/2/2023 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội hoặc Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đất đai, bất động sản để xử lý các khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo hành lang pháp lý và động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường công cụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm tại Luật tài nguyên nước (sửa đổi)

Liên quan đến việc sửa đổi toàn diện Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 cũng yêu cầu nội dung chính sách của dự thảo Luật cần tập trung tăng cường phân cấp quản lý, gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường công cụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Đồng thời, quy định cụ thể, đầy đủ về trách nhiệm của các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, bỏ sót, tăng cường công tác phối hợp và cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chú ý các chính sách về bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt; bảo vệ, quản lý nguồn nước, dòng chảy tự nhiên, an toàn hồ chứa, đập,... gắn với chính sách bảo vệ môi trường và phát triển các phương thức vận tải phù hợp để phát triển kinh tế; cần có các cơ chế tài chính, chính sách thuế, giá, phí bảo đảm đồng bộ, hiệu quả về lâu dài, phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường, đồng bộ với các chính sách khác về quản lý tài nguyên nước.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ, Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Công an về mục tiêu và nội dung 04 chính sách, trong đó lưu ý cần thống nhất về tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ, các biện pháp cảnh vệ khả thi, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường trang thiết bị hiện đại, có chế độ chính sách hợp lý để thực hiện các biện pháp cảnh vệ chủ động, hiệu quả trong tình hình mới; tăng cường quyền hạn của lực lượng cảnh vệ để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này, làm rõ nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ thực hiện ở địa phương để quy định phù hợp, bảo đảm không phát sinh tổ chức bộ máy mới, không làm tăng biên chế trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thống nhất sự cần thiết lập Đề nghị xây dựng Luật Việc làm nhằm thể chế hóa cụ thể hơn đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với điều kiện, yêu cầu của thời kỳ mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định tại các luật liên quan, cũng như hướng tới giải quyết hiệu quả các vướng mắc của thực tiễn.

Liên quan đến việc xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh"; "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn về việc xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

 

Chính phủ thống nhất điều chỉnh thời gian trình một số dự án Luật như sau: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đưa 03 dự án Luật này vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để bảo đảm nguồn lực thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng các dự án luật và cân đối Chương trình năm 2023 và Chương trình năm 2024.

Luật Dân số (sửa đổi) đưa vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) để bảo đảm tính gối đầu của Chương trình năm 2024 và Chương trình năm 2025.


Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra