Thanh tra tỉnh Đồng Tháp:

Ban hành quy chế tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất của Thanh tra tỉnh

Thứ bảy, 19/03/2022 19:08
(ThanhtraVietNam) – Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp vừa có quyết định ban hành quy chế tiếp công dân của Thanh tra tỉnh; quy chế này gồm 4 Chương và 15 Điều.

Cụ thể theo quy chế, mục đích của tiếp công dân là tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh, ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan đến công chức Thanh tra tỉnh; công tác thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước của Thanh tra tỉnh; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh Thanh tra để xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, quy chế yêu cầu phải đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: CTTĐ.TTT ĐT)

Quy chế cũng đề ra các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

Về công tác tổ chức tiếp công dân, Quy chế cũng quy định rõ, cụ thể, đối với công tác tiếp công dân thường xuyên: Chánh Thanh tra tỉnh phân công công chức thực hiện tiếp công dân thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Công chức được phân công phải là người có trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có phẩm chất, đạo đức, có kinh nghiệm kỹ năng giao tiếp; khi tiếp công dân phải mặc trang phục ngành Thanh tra theo quy định.

Công chức chỉ được tiếp công dân tại phòng tiếp công dân của cơ quan Thanh tra tỉnh; không được tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngoài phòng tiếp công dân của cơ quan.

Đối với công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Lãnh đạo Thanh tra tỉnh, quy chế yêu cầu: Chánh Thanh tra tỉnh tiếp công dân định kỳ trong giờ hành chính vào ngày 15 hằng tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết, ngày họp hoặc công tác đột xuất sẽ tổ chức tiếp công dân vào ngày làm việc liền kề tiếp theo. Trường hợp Chánh Thanh tra đi công tác theo kế hoạch của cấp trên hoặc công việc đột xuất khác thì ủy quyền cho Phó Chánh Thanh tra tiếp công dân.

Ngoài lịch tiếp công dân định kỳ hằng tháng, Chánh Thanh tra tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân khi công dân có yêu cầu và công dân đăng ký trước nội dung với công chức tiếp công dân; công chức tiếp công dân báo cáo Chánh Thanh tra, chủ động phối hợp với Trưởng các phòng (khi có yêu cầu) chuẩn bị nội dung, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi Chánh Thanh tra tiếp công dân và thông báo lịch tiếp cho công dân.

Quy chế cũng nêu rõ, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tiếp công dân, Trưởng các phòng phối hợp thực hiện kết luận, chỉ đạo về nội dung tại buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Thanh tra tỉnh.

Đối với Công chức tiếp công dân thường xuyên, quy chế yêu cầu, phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.

Bên cạnh đó, giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của Thanh tra tỉnh.

Quy chế cũng quy định cụ thể, quyền và nghĩa vụ của công dân khi được tiếp, đó là chấp hành nghiêm nội quy tiếp công dân, nội quy ra vào cơ quan và hướng dẫn của người tiếp công dân; chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh; có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại…

Quy chế cũng yêu cầu, toàn thể công chức cơ quan Thanh tra tỉnh thực hiện việc tiếp công dân phải chấp hành và thực hiện nghiêm quy chế này. Trong quá trình tổ chức thực hiện các tập thể và cá nhân có thành tích sẽ được khen thưởng kịp thời, nếu vi phạm thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đình Thuyết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra