Thanh tra Chính phủ:

Ban hành Thông tư về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ sáu, 09/02/2024 22:13
(ThanhtraVietNam) - Từ ngày 05/3/2024, Thông tư số 01/2024/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có hiệu lực thi hành.
leftcenterrightdel
 Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: PV

Thông tư này áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thông tư quy định, nguyên tắc báo cáo phải đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời; đúng quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hướng dẫn tại Thông tư.

Các loại báo cáo bao gồm: (1) Báo cáo định kỳ là báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm. (2) Báo cáo chuyên đề là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề thuộc lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện một hoặc nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định. (3) Báo cáo đột xuất là báo cáo để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường trong các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cấp trên hoặc của Thanh tra Chính phủ.

Báo cáo Quý I, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm bao gồm các nội dung:

a) Về công tác thanh tra: tình hình, kết quả, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra trong kỳ báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo. Nội dung báo cáo về công tác thanh tra được thực hiện theo Mẫu số 01 và các biểu số liệu 01/TTr, 02/TTr, 03/TTr, 04/TTr, 05/TTr, 06/TTr, 07/TTr, 01/QLNN, 02/QLNN ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: tình hình, kết quả, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo. Nội dung báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 và các biểu số liệu 01/TCD, 01/XLD, 02/XLD, 03/XLD, 04/XLD, 01/KQGQ, 02/KQGQ, 03/KQGQ, 04/KQGQ, 03/QLNN ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kỳ báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo. Nội dung báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện theo Mẫu số 03 và các biểu số liệu 01/PCTN, 02/PCTN, 03/PCTN ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong khi đó, Báo cáo Quý II, Quý III và Quý IV chỉ thực hiện báo cáo theo các biểu số liệu sau:

a) Về công tác thanh tra: các biểu số liệu 01/TTr, 02/TTr, 03/TTr, 04/TTr, 05/TTr, 06/TTr, 07/TTr, 01/QLNN, 02/QLNN ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: các biểu số liệu 01/TCD, 01/XLD, 02/XLD, 03/XLD, 04/XLD, 01/KQGQ, 02/KQGQ, 03/KQGQ, 04/KQGQ, 03/QLNN ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: các biểu số liệu 01/PCTN, 02/PCTN, 03/PCTN ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Ngoài những nội dung được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trong trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo bổ sung nội dung tổng hợp chuyên sâu về kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm của mình gửi Thanh tra Chính phủ.

Về Báo cáo chuyên đề gồm: Báo cáo chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm và Báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm.

1. Báo cáo chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm:

Báo cáo chuyên đề về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hằng năm: tình hình, kết quả, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo, dự báo tình hình và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo. Nội dung báo cáo được thực hiện theo Mẫu số 02 và các biểu số liệu 01/TCD, 01/XLD, 02/XLD, 03/XLD, 04/XLD, 01/KQGQ, 02/KQGQ, 03/KQGQ, 04/KQGQ, 03/QLNN ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp cần thiết phải bổ sung nội dung, Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề cương, biểu số liệu báo cáo.

2. Báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm:

Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kỳ báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu triển khai trong kỳ báo cáo tiếp theo. Nội dung báo cáo được thực hiện theo Mẫu số 03 và các biểu số liệu 01/PCTN, 02/PCTN, 03/PCTN ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp cần thiết phải bổ sung nội dung, Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề cương, biểu số liệu báo cáo.

3. Báo cáo chuyên đề khác: Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về đề cương, biểu số liệu báo cáo.

Về Báo cáo đột xuất, khi Thanh tra Chính phủ có yêu cầu báo cáo đột xuất trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm báo cáo theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Khi cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện những vấn đề đột xuất, có tính chất phức tạp trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho cơ quan thanh tra cấp trên và Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được chỉ đạo, phối hợp xử lý.

Thông tư mới cũng quy định thời gian chốt số liệu. Cụ thể đối với báo cáo định kỳ:

- Báo cáo Quý I từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 3 của năm báo cáo;

- Báo cáo Quý II, Quý III, Quý IV từ ngày 15 của tháng cuối quý trước đến ngày 14 của tháng cuối quý báo cáo.

- Báo cáo 6 tháng từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 6 của năm báo cáo.

- Báo cáo 9 tháng từ ngày 15 của tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 9 của năm báo cáo.

- Báo cáo hằng năm từ ngày 15 tháng 12 năm trước đến ngày 14 tháng 12 của năm báo cáo.

Đối với báo cáo chuyên đề, đột xuất: Thời gian chốt số liệu theo yêu cầu bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ...

Thanh tra Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin báo cáo điện tử của ngành Thanh tra; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn, an ninh thông tin phục vụ xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo, chia sẻ dữ liệu theo các quy định của pháp luật.

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai, sử dụng có hiệu quả hệ thống báo cáo điện tử của ngành Thanh tra. Trường hợp cần thiết, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng hệ thống thông tin báo cáo điện tử đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của mình và chế độ báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Thông tư số 01/2024/TT-TTCP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2024. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Thanh tra Chính phủ để được hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

 

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra