Cần linh hoạt các hình thức trong giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ hai, 27/02/2023 12:29
(ThanhtraVietNam) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, tiến tới thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, khoản 1 Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”.

Như vậy, so với Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật lần này có sự thay đổi lớn về cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai, đã thu gọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ còn thuộc về Tòa án, trong khi trước đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai đang được giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết, đó là Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Việc tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức… thường rất phức tạp, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất thường không rõ ràng; công tác quản lý nhà nước về đất đai qua các thời kỳ còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ… dẫn đến nhiều tranh chấp đất đai phát sinh. Bên cạnh đó, việc tranh chấp đất đai xuất phát một phần do công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế, như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định, cấp chồng lấn trên diện tích đất của người khác; một số cán bộ cấp cơ sở có hành vi cố ý làm trái như cùng một diện tích đất nhưng cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất không đúng quy định để cấp cho người khác; xác nhận nguồn gốc đất không chính xác dẫn đến cấp nhầm quyền sử dụng đất cho người khác… Đây là thực trạng khá phổ biến, là lý do căn bản của tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện đất đai kéo dài, vượt cấp hiện nay.

Theo khoản 1 Điều 225 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Như vậy, nếu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, có nghĩa là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà thẩm quyền này sẽ thuộc về Tòa án. Việc này sẽ thu hẹp quyền lựa chọn của các đương sự trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, cũng như gia tăng áp lực lên hệ thống Tòa án các cấp trong quá trình thụ lý, giải quyết tranh chấp đất đai.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Theo khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

          a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

          b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

 Trong trường hợp này, đương sự sẽ có quyền lựa chọn, đó là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong trường hợp, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, nếu kết quả giải quyết đất đai đúng quy định và có hiệu lực thi hành, vụ việc không khiếu nại, khiếu kiện thì các bên buộc phải chấp hành. Vụ việc tranh chấp đất đai sẽ kết thúc.

Điểm lợi thế của giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền là trong quá trình thụ lý, giải quyết, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết có thể trực tiếp huy động các cơ quan, ban ngành, địa phương có liên quan để cùng tham gia giải quyết vụ việc; có thể chỉ đạo giải quyết ngay tranh chấp từ khâu hòa giải ở cơ sở; có thể thỉnh thị ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp trên trong quá trình giải quyết; có thể sử dụng trang thiết bị hiện đại để đo đạc, xác định vị trí thửa đất có tranh chấp; có thể tìm kiếm các tài liệu lưu trữ qua các thời kỳ… để làm cơ sở giải quyết vụ việc tranh chấp một khách quan, đúng pháp luật. Đối với Tòa án, nếu thụ lý, giải quyết vụ việc tranh chấp thì phải trải qua quá trình kiểm tra, xác minh tương tự để làm sáng tỏ vụ việc; phải yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền nhưng chưa chắc đã đầy đủ, toàn diện và thuận lợi hơn so với việc giải quyết tranh chấp đất đai do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định tố tụng hành chính (khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai). Còn trong trường hợp, đương sự khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, thì khi Tòa án thụ lý giải quyết thì đương sự không được quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp, đương sự khởi kiện tại Tòa án nhân dân, nếu không đồng ý kết quả giải quyết tranh chấp, thì có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Điều này cho thấy, cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 rất linh hoạt, đương sự có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp và đây là cơ sở để xem xét, giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai một cách khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu thực sự đối với quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Mặt khác, khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền là cơ sở để Ủy ban nhân dân các cấp tự kiểm tra và khắc phục những thiếu sót trong công tác quản lý đất đai, từ đó, xử lý những hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ tham mưu công tác quản lý đất đai; đồng thời, bảo vệ quyền vào lợi ích chính đáng, hợp pháp của người sử dụng đất.

Chính vì vậy, tác giả cho rằng, cần thiết phải kế thừa việc giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp của các đương sự; giảm áp lực về số lượng vụ việc tranh chấp đất đai do Tòa án phải giải quyết. Đặc biệt, thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại các địa phương hiện nay./.

Đỗ Văn Nhân
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra