Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Cần xác định nhóm đối tượng lái xe để quản lý sức khỏe định kỳ

Thứ hai, 02/10/2023 17:05
(ThanhtraVietNam) - Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến góp ý lần đầu vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Trong đó, nội dung xác định nhóm đối tượng lái xe để quản lý sức khỏe định kỳ được nhiều người quan tâm.

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, tại khoản 3 Điều 40 quy định: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe…

Quy định này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng thuận cho rằng việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe là cần thiết, vì người lái xe phải đảm bảo sức khỏe mới có thể vận hành được phương tiện (nguồn nguy hiểm cao độ) khi lưu thông. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp tài xế vì làm việc quá sức mà ngủ gục hay đột quỵ khi đang lái xe hoặc gây tai nạn giao thông trong tình trạng đang phê ma túy…

Có ý kiến cho rằng, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe sẽ không khả thi vì sẽ tác động lớn đến một bộ phận người dân, nhất là người lái xe mô tô, xe máy; tốn kém thời gian và chi phí xã hội; có thể xảy ra tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe; tiêu cực trong việc khám sức khỏe của các cơ sở y tế. Mặt khác, việc tích hợp tất cả dữ liệu về hồ sơ sức khỏe của người dân vào cùng một hệ thống là khó thực hiện vì liên quan đến cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bộ máy, phát sinh thủ tục hành chính và gây phiền hà cho người dân…

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa, nguồn: Đỗ Văn Nhân) 

Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ quy định khám sức khỏe định kỳ hằng năm với lái xe kinh doanh vận tải. Lái xe không kinh doanh vận tải, hiện có quy định khám sức khỏe khi đến hạn cấp đổi bằng lái. Với người lái mô tô, xe máy quy định khám sức khỏe khi cấp bằng hoặc nâng hạng bằng lái. Do đó, việc bổ sung các trường hợp khám sức khỏe định kỳ là cần thiết nhưng cần phải khoanh vùng đối tượng cụ thể, không thể áp dụng đối với tất cả các lái xe khi tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe mô tô, xe máy.

Theo tác giả, cần phải tập trung với các nhóm đối tượng lái xe bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối tượng khám sức khỏe định kỳ là các lái xe có độ tuổi từ 65 trở lên (áp dụng chung cho tất cả lái xe đối với các phương tiện). Với độ tuổi này thì đa số sức khỏe của lái xe giảm sút, như: Thị lực kém, xử lý tình huống chậm, thiếu tập trung; thính giác kém hoặc mắc các bệnh tim, mạch có nguy cơ đột quỵ cao… Do đó, các đối tượng này cần phải được theo dõi sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn khi lái xe.

Thứ hai, đối tượng khám sức khỏe định kỳ là các lái xe ô tô vận tải (lái xe khách đường dài, container và các phương tiện hạng nặng khác). Khi lưu thông, các phương tiện ô tô vận tải đều cồng kềnh, trọng tải lớn… nếu tài xế không đảm bảo sức khỏe, không may gây tai nạn giao thông thì thiệt hại cho xã hội rất lớn. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ cho các lái xe ô tô vận tải là hết sức cần thiết.

Thứ ba, đối tượng khám sức khỏe định kỳ là những người có tiền sử bị các bệnh nền được phát hiện thông qua việc khám sức khỏe để cấp bằng lái xe lần đầu hoặc phát hiện thông qua các cơ sở y tế (như bệnh tim mạch, cận thị, tâm thần, điếc hoặc khuyết tật các chi trên cơ thể…). Mặc dù, sức khỏe đối tượng này vẫn đảm bảo điều kiện để lái xe nhưng vẫn phải bắt buộc khám sức khỏe định kỳ để xác nhận đủ điều kiện để lái xe.

Thứ tư, thường xuyên kiểm tra, rà soát và tước bằng lái xe đối với người nghiện ma túy. Những người bị lệ thuộc vào ma túy thì không được phép lái xe, kể cả lái xe mô tô, xe máy. Đối với những người đã cai nghiện ma túy có xác nhận của cơ sở y tế thì xem xét cấp hoặc cấp lại bằng lái xe nếu đảm bảo các điều kiện sức khỏe theo quy định nhưng đối tượng này cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ (có thể 6 tháng một lần đối với giấy phép lái xe mô tô, xe máy và 1 năm một lần đối với Giấy phép lái xe ô tô trở lên).

Việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe và xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, tùy vào đối tượng cụ thể để quy định việc khám sức khỏe định kỳ, không nên áp dụng chung có các đối tượng mà chỉ tập trung vào các nhóm đối tượng có vấn để về sức khỏe để quản lý sẽ tạo sự đồng thuận cao của đông đảo người dân./.

Luật gia Đỗ Văn Nhân
Sở Tư pháp tỉnh Kom Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra