Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong đó, nội dung thanh tra, kiểm tra được quy định chi tiết, cụ thể tại Nghị định. Cụ thể, Điều 55 quy định hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Gây khó khăn cho công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát, đánh giá hiện trạng môi trường hoặc hoạt động công vụ của người có thẩm quyền;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ;
c) Từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
d) Không tổ chức đối thoại về môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc kê khai, khai báo hoặc kê khai, khai báo không trung thực, không đúng thời hạn theo yêu cầu của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của người thi hành công vụ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Không hợp tác hoặc cản trở công tác của đoàn kiểm tra, thanh tra hoặc người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường;
d) Không cử đại diện có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tham gia buổi công bố quyết định thanh tra về bảo vệ môi trường hoặc không cử đại diện có thẩm quyền làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.
|
|
Ảnh minh họa. Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn |
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý tháo gỡ niêm phong tang vật, phương tiện, nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị vi phạm đang bị niêm phong, tạm giữ hoặc tẩu tán tang vật vi phạm, tự ý làm thay đổi hiện trường vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Trì hoãn, trốn tránh không thi hành quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền xử phạt phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường được quy định tại Điều 58 của Nghị định. Ngoài quyền phạt cảnh cáo, mỗi chức vụ thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền xử phạt riêng.
Theo đó, Thanh tra viên chuyên ngành tài nguyên và môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường có quyền phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000.000 đồng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có quyền phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Bên cạnh đó, về nội dung thanh tra, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP còn quy định cụ thể về: Thẩm quyền của Thanh tra quốc phòng; thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành công thương và Quản lý thị trường; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch…
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022./.