Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng

Thứ hai, 07/02/2022 20:09
(ThanhtraVietNam) – Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện có quyền phạt tiền đến 200 triệu đồng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Trong đó, Điều 114 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Thanh tra viên và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành TTTT đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 800.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt nêu trên. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại các điểm a và đ Khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Viễn thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Tần số vô tuyến điện, Giám đốc Trung tâm Tần số khu vực, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Trung tâm Tần số khu vực có quyền phạt cảnh cáo. Đồng thời, phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử. Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt nêu trên; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 140.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 56.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử. Tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt nêu trên và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Cùng với thẩm quyền phạt cảnh cáo; tước quyền sử dụng Giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, Chánh Thanh tra Bộ TTTT, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện có quyền phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng; phạt tiền đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, giao dịch điện tử.

Nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

Khoản 1 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và hoạt động in sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền”.

“Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng, bao gồm: Giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm, phụ trương, giấy phép xuất bản chuyên trang, giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy chứng nhận đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh giấy phép sản xuất kênh chương trình, giấy phép nhập khẩu báo in, tạp chí in, giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, giấy phép xuất bản bản tin, giấy phép xuất bản đặc san, giấy phép thành lập nhà xuất bản, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam, giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, giấy phép hoạt động in;” là nội dung sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 2 Điều 3.

Đáng chú ý, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung quy định mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, mở chuyên trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử; sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định trừ trường hợp quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 5.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…

Nghị định số 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/01/2022. Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét xử lý mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định của Nghị định này./.

Hoàng Minh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra