Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền xử phạt đến 1 tỷ đồng
Thứ ba, 26/11/2019 09:56 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) – Đó là một trong những thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng được quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ.
Theo đó, Điều 53, Chương III của Nghị định 88/2019/NĐ-CP về thẩm quyền xử phạt VPHC và thẩm quyền lập biên bản VPHC nêu rõ: Thanh tra viên ngân hàng đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng.
Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng; áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 250.000.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 250.000.000 đồng; áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Đặc biệt, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng; áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định có thẩm quyền xử phạt theo quy định giống như Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Trưởng đoàn thanh tra do Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ra quyết định có thẩm quyền xử phạt giống như Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh./.
Dương Thái