Thời gian qua xuất hiện một số trường hợp phương tiện xe ô tô lưu thông trên đường, nhất là trên các tuyến cao tốc cố tình sử dụng băng dính che biển số hoặc sử dụng biển số xe giả để tránh bị phạt nguội; một số tài xế còn có "sáng kiến" dùng băng dính đen để thay đổi chữ số trên biển.
Đặc biệt, vài năm trở lại đây, khi lực lượng chức năng triển khai áp dụng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, nhiều tài xế/chủ xe đã cố tình che chắn, dùng biển số giả hoặc làm sai lệch biển số nhằm đánh lừa hoặc "trốn" camera ghi hình phạt nguội (việc che chữ số trên biển đăng ký hay được thực hiện với số 3, số 8 và chữ F biến thành E).
Trong trường hợp bị cảnh sát giao thông tuýt còi trên đường, các tài xế có thể phân trần việc che biển số chỉ là vô tình. Không ít tài xế thậm chí chấp nhận bị phạt vì hành vi che biển số, bởi mức phạt này thường nhẹ hơn các lỗi vi phạm mà hệ thống camera ghi lại.
Một chiếc xe bán tải biển Thái Nguyên dùng sơn để sửa một chữ biển số khi lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị lực lượng chức năng phát hiện qua trích xuất camera. Ảnh: TN
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Kiều Trang, Công ty Luật Sao Sáng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng hoặc biển số giả.
Hiện tượng người tham gia giao thông sử dụng băng dính che biển số xe hoặc biển số giả để tránh bị phạt nguội khi tham gia giao thông là những hành vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn tại điểm c khoản 3 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi gắn biển số bị che lấp, dán thêm làm thay đổi chữ, số”
Do đó, trường hợp người điều khiển ô tô đi trên đường có hành vi sử dụng băng dính che biển số hoặc sử dụng biển số giả thì đương nhiên được coi là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, không cần biết phương tiện đó có vi phạm lỗi khác hay không. Ngoài việc bị xử phạt về hành vi che lấp biển số, dán thêm làm thay đổi chữ, số của biển số thì người điều khiển ô tô còn bị xử phạt với các lỗi vi phạm khác.
Một phương tiện lưu thông bình thường trên cao tốc chưa chắc đã vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng nếu có hành vi dùng băng dính che biển số, sử dụng biển số giả thì chắc chắn sẽ bị xử phạt vì đã vi phạm pháp luật. Do đó, người điều khiển ô tô nên cân nhắc kỹ trước khi tham gia giao thông, tránh trường hợp tự đưa mình vào tình trạng vi phạm pháp luật không đáng có.
Điểm d khoản 5 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”.
Tại điểm c khoản 6 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi quy định tại điểm d khoản 5 điều này còn bị tịch thu biển số không đúng quy định, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.”
Như vậy, trường hợp người điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; bị tịch thu biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
“Hành vi che biển của các tài xế có thể với nhiều mục đích, tuy nhiên thường là chiếc xe đang “có tật” liên quan pháp luật, hoặc trên tuyến cao tốc thường là xe chạy quá tốc độ và các hành vi vi phạm luật giao thông khác. Trong đó việc chạy quá tốc độ trên cao tốc không chỉ nguy hiểm với chính phương tiện và bản thân người lái mà còn gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác, do vậy hành vi này cần phải được xử lý nghiêm.
Từ thực tế có thể thấy, do hình thức xử phạt với các hành vi trên còn nhẹ, chưa đủ mạnh nên nhiều tài xế hiện nay vẫn vi phạm, nhất là trên các tuyến cao tốc. Để xử lý triệt để tình trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nghiên cứu tăng mức xử phạt mạnh hơn như nâng mức xử phạt hành chính; có thể kéo dài thời gian tước bằng lái xe hoặc tước bằng vĩnh viễn với tài xế vi phạm nhiều lần” – Luật sư Kiều Trang nêu quan điểm.
Theo Dangcongsan.vn