Đà Nẵng: Sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư

Thứ hai, 13/02/2023 14:26
(ThanhtraVietNam) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 2: Cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng, gồm có: UBND thành phố; Ban Tiếp công dân thành phố; UBND các quận, huyện; UBND các phường, xã; các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố; các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố thành lập.

Người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giao xác minh vụ việc và giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước theo Khoản 1 Điều 2.

Nguyên tắc xử lý đơn tuân thủ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 05/2021/TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

Đơn kiến nghị, phản ánh (trừ các trường hợp có yếu tố mật) phải được cập nhật, xử lý trên Phần mềm Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quy chế quản lý, sử dụng hiện hành do UBND thành phố ban hành.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3 Điều 4, như sau:

“2. Đơn là văn bản được trình bày dưới một hình thức theo quy định của pháp luật, có nội dung kiến nghị, phản ánh nêu tại khoản 1 Điều này và gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền để kiến nghị, phản ánh.

3. Xử lý đơn kiến nghị, phản ánh là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền căn cứ vào nội dung vụ việc được trình bày trong đơn mà phân loại nhằm thụ lý giải quyết đơn thuộc thẩm quyền; hướng dẫn công dân gửi đơn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.”

leftcenterrightdel
Một phiên tiếp công dân của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh trong năm 2021. (Ảnh: http://www.danangtv.vn) 

Khoản 2 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung, như sau: “2. Đối với đơn gửi qua dịch vụ bưu chính, đơn do tổ chức, cá nhân trực tiếp gửi đến qua bộ phận tiếp nhận cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua hộp thư góp ý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ban Tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân; đơn do đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật; đơn do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và lãnh đạo các cơ quan Đảng chuyển đến thì thời điểm tiếp nhận đơn tính từ thời điểm chuyển đến bộ phận tiếp nhận đơn.”

Đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đáp ứng các yêu cầu: Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng. Đơn ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn. Nếu là đơn của tổ chức thi phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó. Đơn do nhiều người cùng viết thì tất cả những người đứng đơn phải ký tên. Đơn phải ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh.

Đơn không đủ điều kiện xử lý, bao gồm: Đơn không đáp ứng các yêu cầu trên; đơn được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết; đơn đã được hướng dẫn gửi đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết theo quy định; đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị; đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được.

Ban Tiếp công dân, Thanh tra thành phố kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn

Bên cạnh đó, Quyết định số 02/2023/QĐ-UBND cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung, như: Biên bản giao nhận tài liệu; đề xuất thụ lý đơn kiến nghị, phản ánh; chuyển đơn kiến nghị, phản ánh; việc hướng dẫn người gửi đơn gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết… được thực hiện theo các mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân.

Khoản 1 Điều 11 được sửa đổi như sau: “1. Cơ quan, bộ phận được giao xác minh và đề xuất giải quyết vụ việc tiến hành xác minh và có báo cáo đề xuất giải quyết kiến nghị, phản ánh trong thời hạn không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản giao nhiệm vụ xác minh trừ trường hợp xác minh theo Điều 9 Quy định này. Đối với những kiến nghị, phản ánh ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản giao nhiệm vụ xác minh.”

Về trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh được quy định tại Điều 17 được sửa đổi, bổ sung:

“2. Ban Tiếp công dân thành phố có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra thành phố giúp Chủ tịch UBND thành phố trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố, ưu tiên những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

3. Ban Tiếp công dân quận, huyện có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra quận, huyện giúp Chủ tịch UBND quận, huyện trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân tại địa phương.

4. Thanh tra các sở, ngành có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân tại cơ quan, đơn vị.

5. Các cơ quan, đơn vị không có cơ quan thanh tra thì giao Văn phòng cơ quan, đơn vị giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân tại cơ quan, đơn vị.”

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 4 Điều 19 và Khoản 5 Điều 19, như sau:

“a) Tổng hợp và báo cáo Chủ tịch UBND thành phố tình hình tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng định kỳ theo chế độ thông tin báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.”

“5. Định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, 09 tháng, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp có trách nhiệm báo cáo tình hình tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn và kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, địa phương minh đến Chủ tịch UBND thành phổ thông qua Thanh tra thành phố để tổng hợp, báo cáo theo quy định.”…/.

CTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra